XUÂN
Ái Hoa
- Anh ơi! Hể mỗi lần nghĩ đến chữ Xuân là những lời ca và âm điệu đó lại lảng vảng trong tâm trí em, làm em cứ muốn mở miệng ra để hát anh ơi! “Em như o con gái hãy còn xuâng, trong trắng thâng chưa lấm bụi trầng…”
Buổi sáng khi những tia nắng sớm còn đang thẹn thùng len lén qua khung cửa sổ, đang nằm êm ấm lơ tơ mơ trên giường thì ông Văn chợt thức dậy vì tiếng ư ử của ai đó ở bên tai. Không giống tiếng chim hót ngoài vườn. Tỉnh hơn một chút nghe ra thì chính là giọng của bà vợ ông. Bà đang nói cái gì, ngân nga cái gì mà có xuân ở trong ấy…Từ cung Sol chuyển lên cung La. Trời đất! A! Sao mới sáng sớm mà bà ấy đã nổi cơn ghiền Karaoke vậy kìa? Nhưng giọng hát của bà đầy tình điệu, giọng Huế của bà nghe buồn cười mà dễ thương làm sao! Sau một đêm ngủ nghê đầy đủ, mở mắt ra nhìn thấy bộ mặt hồng hào đầy xuân sắc của bà, ông Văn cảm thấy xuân tình dào dạt. Tỉnh táo hẳn, ông mắng yêu:
-Chời ơi là chời! “Em như cô gái hãy còn xuân” đó mụ ơi. Làm gì có o con gái này o con gái nọ ở đó? Mà khi người ta nói với một em nào “em như cô gái hãy còn xuân”, thì người ta chỉ nịnh để em đó tưởng thiệt thôi. Chẳng hạn tôi ca với một bà nào đó nhé! Vậy cái bà đó chắc gì “hãy còn” xuân. Hà hà! Mụ đừng có ham! Chữ “mụ” đối với hai vợ chồng giống như “honey” tiếng Mỹ vậy đó. Ông Văn nói lên một cách âu yếm và bà Văn nghe cảm thấy dịu ngọt trong lòng.
-Ơ! Em là người Huế thì nói theo kiểu người Huế chớ. Anh cũng vừa mới kêu “Chời ơi là Chời!” đó chi? Mà cái anh ni! “Cô gái” trong bài ni là nàng xuân chớ có phải người mô mà anh nói rứa? Em đang nói chuyện với anh về xuân đây mà.
-Để tôi đọc cả bài thơ cho mụ nghe này, rõ ràng là bài Gái Xuân của Nguyễn Bính do…à, do Từ Vũ phổ nhạc đó. Mụ cãi với tôi sao được?
Cứ thế ông đọc trơn tru hết cả bài, kể cả những câu Từ Vũ đã thêm vào khi phổ nhạc. Ông còn bảo:
-Mụ ráng mà học hết cả bài đi, chỉ hát một câu hoài không chán sao?
Tiết trời êm ả, mát mẻ, nằm bên cạnh chồng trong khung cảnh đầy xuân ý như vậy trong lòng bà Văn cảm thấy như đang say men xuân, muốn làm một bài xuân ca, thế mà ông chồng không hiểu gì cả! Đâu phải là bà không biết bài ấy, chỉ tại …chưa nhớ ra thôi. Bà hỏi ông:
-Rứa anh biết Nguyễn Bính có mấy dzợ hôn? Có biết Nguyễn Bính viết bài ni cho mụ mô hôn nè?
Ông Văn bí thật. Ông nhớ trước đây, khi ông đang như làn mây xám lạc loài trôi, đến đỉnh Ngự Bình đến dốc Nam Giao bị đỉnh cao vướng lại, rồi yêu mây núi Ngự nước sông Hương quá hoá thành giáo sư văn chương và triết ở trường Quốc Học, khi ấy ông đọc khá nhiều sách vở, nhưng có bao giờ đọc thấy bí sử đó đâu! Bà ấy hồi đó là nữ sinh ban A trường Đồng Khánh thì làm sao mà biết được nhỉ? Nghe ông lẩm bẩm trong miệng câu “Chuyện nầy mụ ấy kiếm đâu ra vậy cà?”, bà Văn đằng hắng một tiếng rồi nói một cách trịnh trọng:
-Người ta ngẫu nhiên đọc thấy trong tiểu sử của Nguyễn Bính đó. Bốn mụ vợ của ông nớ đã gặp nhau để nhớ tưởng đến ông chồng thi sĩ và cùng nhau ca ngâm những tác phẩm của ổng nữa. Còn cái “Sông Vân” trong bài thơ ni thì ai cũng chịu, không biết con sông nớ ở mô. Chẳng phải là nơi mà Tây Thi đã giặt lụa. Chắc là ở đó ổng vớ được một o tên Vân mô đó nên lấy tên o nớ đặt tên cho con sông. Biết mô được rằng ổng biết từ trước sẽ có chị Xuân Vân ni nên đã đặt sẵn tên sông như rứa cũng có. Hì hì!
Ông Văn phì cười:
-A! Thì ra mụ thích bài này vì tác giả của nó có nhiều vợ và vì trong đó có tên mụ. Công nhận tên mụ cũng hay thiệt, mây mùa xuân, trong xanh đẹp biết dường nào! Chả trách mây Thăng Long đã phải “kết” với mây núi Ngự từ nhiều năm trước để cho ra đời một đám mây nhóc vượt sông vượt núi vượt đại dương phiêu lãng qua đây! Hà hà! Nguyễn Bính chịu chơi ghê nhỉ! Các bà vợ ông ta lại chẳng ghen. Thú vị thật!
Nghe ông Văn nói vậy bà “xì” một tiếng, phảng phất có mùi giấm chua dù bà vừa nằm quay mặt qua phía bên kia. Bà chợt nhớ lại câu ông chồng nói lúc nãy, “chẳng hạn tôi nói với bà nào đó…”
- A! Đàn ông, ông nào cũng như ông nấy; tham lam chẳng biết mấy cho vừa. Có khi đang nằm với vợ mà lòng tơ tưởng tới năm bảy bà khác. Ông cũng chẳng khác gì đâu. Bộ ông đã từng phỉnh phờ tôi rồi hay sao? Ông liệu hồn!
Chữ anh và em biến mất, thay bằng ông và tôi, và bổng nhiên bà biến thanh thành người nói giọng Bắc thật lẹ. Ông Trần Phúc Văn người Hà Nội chính hiệu còn bà, Tôn nữ Xuân Vân là người Huế thứ thiệt. Thường nếu mình giả giọng miền khác giỏi cách mấy đến khi giận hay cần nói nhanh cũng lòi đuôi ra nhưng bà Văn thì ngược lại, khi bà giận thì bà nói giọng Bắc y chang mấy bà đồng hương của ông, nghe có lẻ còn du dương hơn nữa. Lấy chồng người Hà Nội, và nhất là ở gần những đàn bà Bắc chữi chồng hay là những cơ hội tốt luyện cho bà Văn nói giọng Bắc rất lưu loát.
Ông Văn vội vàng dụng mưu Gia Cát Lượng (hay chước họ Sở chưa biết), cũng thay đổi cách xưng hô, nghe khách sáo nhưng dĩ nhiên là có công hiệu hơn kiểu chà xát nổi tiếng của người Thái:
-Khi không sao giận anh vậy em? Anh có làm gì cho em buồn đâu? Này này! Anh vừa định nghĩa tên em “xuân vân”, bây giờ để anh định nghĩa chữ “xuân” cho em nghe nhé!
Bà Văn giấm dẳn:
-Xuân là xuân chứ còn gì nữa mà phải định nghĩa?
-Có chứ em. Chẳng những mình cần biết “xuân” có nghĩa là gì mà còn phải biết rất nhiều điều liên quan đến “xuân” nữa kia. Này nhé:
Ai cũng biết Xuân là một trong bốn mùa trong năm. Xuân, Hạ, Thu, Ðông trong một năm cũng như Sáng, Trưa, Chiều, Tối trong một ngày, và Sinh, Lão, Bệnh, Tử trong đời người, tuy nhiên chẳng mấy ai thèm tìm hiểu ý nghĩa của chữ ấy là gì. Tiếng Anh chữ “spring”, danh từ, ngoài nghĩa mùa xuân còn có nghĩa là mạch nước, nguồn, sự nẩy lên, bật lên, tung lên, đàn hồi, lò xo, tính chất khoẻ mạnh, sự sung sức. Một tự điển kia còn chua thêm nghĩa sự vui mừng nhảy nhót, nhảy sào, và nhảy ngựa nữa. Nói chung đều là những cử động vui vẻ trẻ trung đầy sinh lực. Mùa đông dùng hơi lạnh ấp ủ tinh khí cho sinh vật và thảo mộc (tuởng như đang bệnh hoạn hay đang chết) để chờ đến mùa xuân, khi khí hậu ấm áp ôn hòa thì sinh vật và thảo mộc như được sinh khí của mùa xuân tiếp sức để bùng dậy, để tái sinh. Loài gấu ra khỏi chỗ ẩn, chim chóc hết ủ rủ, cây cối đâm chồi nẩy lộc, cỏ non mọc tận chân trời, thú chạy đầy đồng, ngàn hoa đua nở, và nhất là con người, như có một sự đồng điệu nào đó với thiên nhiên, chẳng những hết xanh xao mà còn cảm thấy vui tươi, dễ chịu, và yêu đời. Có lẻ vì vậy mà người ta dùng chữ Spring để chỉ Mùa Xuân. Anh liên tưởng đến một nàng con gái sau nhiều năm lòng giá lạnh vì bị phụ tình, tưởng rằng chẳng còn có thể yêu ai (mùa đông), một hôm, bỗng nhiên một hình bóng thật lý tưởng đã xuất hiện giữa một trời đầy hoa mơ hoa mận nở rộ (Gái Xuân của Nguyễn Bính), khơi lại tin yêu và xuân tình trong lòng nàng (mùa xuân).
Như thế mùa xuân được coi như là thời gian nẩy nở, phục hồi, đổi mới cho vạn vật, là thời gian cho những sinh mạng mới ra đời, và là lúc mà vòng luân chuyển của vũ trụ lại khởi phát, thường là hướng đến chỗ tốt đẹp hơn xưa. Em đồng ý không?
Bà Văn thường thắc mắc tại sao có nhiều cặp vợ chồng chồng Huế vợ Bắc hoặc ngược lại, giống như vợ chồng bà như thế!!! Phải chăng là tại vì họ thích giọng nói của nhau? Bà vẫn rất thích nghe giọng nói có âm điệu như đọc thơ của chồng bà. Bà đang thầm khen ông: “Giọng Bắc Hà Nội của ảnh hay thiệt, nhất là khi bàn về văn chương thao thao bất tuyệt thế này nghe trầm bổng cứ như hát, ảnh lại am hiểu về nhiều lãnh vực như vậy hèn gì có nhiều người thích ảnh, nể ảnh cũng phải.” Nghĩ đến đây thì hình ảnh những người đàn bà vẫn đi theo “anh anh em em” với ông lâu nay làm bà đâm ra giận ông! Nửa yêu, nửa hờn, bà đáp cộc lốc:
-Nghe cũng có lý.
Nghe giọng vợ lững lơ nhưng ông Văn cứ tảng lờ đi, thao thao bất tuyệt:
-Thật ra thì trên quả đất thời tiết mỗi nơi mỗi khác theo ảnh hưởng của mặt trời, và vì thế các mùa cũng đến vào các khoảng thời gian khác nhau. Có vùng chỉ có 2 mùa, mưa và nắng. Những xứ thuộc vùng nhiệt đới ở chí tuyến bắc và nam của đường xích đạo chẳng hạn thì không bao giờ có mùa xuân. Xuân ở Mỹ (thuộc Bắc Bán Cầu) bắt đầu với xuân phân, khoảng 20 tháng 3 và kết thúc với hạ chí , khoảng 21 tháng 6. Em biết không? Ở Nam Bán Cầu thì mấy tháng 9, 10, 11 mới là mùa xuân đó. Người Việt mình dù cũng theo âm lịch và ăn Tết vẫn chia đều mỗi năm làm 4 mùa, bắt đầu bằng mùa xuân với 3 tháng giêng hai ba, và cứ thế mà tính cho đến cuối năm âm lịch. Còn gì thú vị bằng khi mình có cơ hội để hưởng mùi vị thời tiết của mỗi một mùa khác nhau phải không em?
Ở đất Cali mình cũng được trời ưu đãi cho những hương vị của mùa xuân, nhưng có biết đâu chính trong mùa nầy thường có báo động giông bão, mưa đá, và lụt lội trong những vùng gần núi non do băng tuyết từ mùa đông để lại tan chảy thường nhất! Một điều đáng nói ở đây là đang ở Mỹ mà mình lại ăn Tết của người Tàu, vẫn mua mứt món bánh kẹo làm giàu cho các hãng thực phẩm Trung Quốc. Anh thấy năm nào em cũng mua, giữ lui giữ tới từ đầu năm đến cuối năm cuối cùng cũng phải dzụt vào thùng rác.
Bà Văn ngớ ra vì câu kết thúc “quá khích” của ông chồng. Đang nói chuyện trời đất vạn vật tự nhiên ông trở giò lái đá bà như thế! Xoay mặt lại phía ông, với giọng Bắc vẫn còn, bà kêu lên:
-Ơ cái ông này! Người ta ăn tết thì mình cũng phải ăn tết. Người ta đón ông bà thì mình cũng phải mâm quả để đón. Ai cũng có mứt món để đãi khách mà mình không có coi sao được? Chả lẻ trong nhà ngày Tết không có gì để nghèo cả năm hay sao?
Giọng ông Văn nhỏ lại, như muốn hảm bớt cái đà đang lên của bà:
-Đành là vậy. Mỹ tục mình cứ theo, nhưng cũng nên uyển chuyển một chút em ạ. Cúng ông bà đầu năm là điều nên làm. Hương, hoa, quả, xôi, thịt, gà, vịt, bánh trái gì cũng được hết nhưng chỉ nên đại khái thôi. Nhất là mứt món, nên giảm thiểu tối đa, vì mua nhiều mà chẳng ai dám ăn thì phí lắm. Em cũng biết ở đây người ta phải kiêng ăn cực khổ thế nào rồi… Em à! Anh vẫn cảm thấy ấm ức khi phải ăn tết ké với kẻ đã đô hộ mình cả ngàn năm trước và hiện nay vẫn đang tìm cách lấn áp đất nước nhỏ bé của mình gây đau khổ cho dân mình.
Mới năm ngoái đây, khi đi dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, bà Văn nhớ đã đọc một cuốn sách nhỏ do nhóm Văn Hóa của Hiệp Hội Người Việt San Diego biên soạn nói về lịch sử của nước ta. Đầu đuôi không nhớ rõ, chỉ nhớ đại khái thôi. Giận vì bị chồng đá giò lái chưa trả đũa được, dù ông đã giải thích hữu lý nhưng vẫn còn tưng tức nên bà đằng hắng, thuyết luôn một hơi:
-Anh nói vậy là sai. Nước Việt Nam ta có hơn 4000 năm văn hiến, mình cũng như bao nhiêu nước Á Châu khác chia chung âm lịch với nước Tàu nên cũng ăn Tết như họ thôi. Mình đã ăn tết âm lịch từ đời Hồng Bàng, đời Hùng Vương. Anh nhớ sự tích Bánh Dầy Bánh Chưng không? Vào đời Hùng Vương thứ 8, nghĩa là rất lâu trước khi Tàu đô hộ Ta, hoàng tử Lang Liêu nhờ làm được loại bánh này mà được vua cha truyền ngôi lại đó.
Ông Văn cười lớn, khen:
-Hay! Không ngờ bà xã của tôi có kiến thức như thế! Rồi giọng ông hơi trầm xuống:
Điều anh muốn nói là mỗi lần Tết đến, ở đây truyền thanh, báo chí gì cũng chỉ gọi là Chinese New Year, làm anh cảm thấy như Tết của ai đâu chứ chẳng phải của mình. Trong lúc tha hương, tâm trạng đó lại càng làm mình cảm thấy bơ vơ hơn nữa.
Được chồng khen bà Văn rất thích thú. Giọng buồn của ông cũng làm cơn giận của bà nguôi đi. Bà thấy chồng nói đúng; không thấy lạc lõng sao được khi mình ăn Tết là Chinese New Year (tháng1 hoặc 2) trên đất Mỹ (vẫn còn mùa đông, vì mãi đến 20 tháng 3 mới đến mùa xuân, theo thiên văn học)! Từ lâu bà Văn chẳng những không quan tâm đến chuyện chính trị, bà còn ít khi nghĩ xa nghĩ gần, chỉ người ta làm sao mình làm vậy. Như bao nhiêu người đàn bà đảm đang khác, bà Văn cứ như là đang ở quê nhà; mỗi lần năm hết Tết đến bà dọn dẹp cho nhà cửa sạch sẻ để đón ông Táo (ông Táo của mình có sang Mỹ chơi không nhỉ?), mua đồ ăn thật nhiều mong cả năm được sung túc, và đi đứng ăn nói rất cẩn thận để cả năm khỏi gặp rắc rối xui xẻo. Thế nên dù không ai ăn, Tết nào bà vẫn chất hàng Tết đầy nhà. Tết ta ai cũng bận đi làm, có ai đến làm khách đâu, mà khách có đến thì ai cũng nhịn những món bên nhà mình vẫn rất quý! Mâm cúng tổ tiên ông bà; hoa quả, bánh chưng bánh tét, mứt món, xôi thịt…thì, dĩ nhiên các vị chỉ hưởng hương hoa, con cháu bận đi làm xa, hai vợ chồng ăn kiêng cả, nên dù tiếc mấy cũng đành… để dành cho sở vệ sinh thành phố. Trong thâm tâm bà Văn đã cảm nhận được những điều mà chồng vừa nói đến, quả thật bà đã làm một cách “hơi vô lý.” Trước đây mấy phút bà định hờn mát với ông nhưng bây giờ thì như bong bóng xì hơi. “Ổng nói cũng có lý mà.” Bà tự nhủ.
Bà phục chồng có kiến thức, ăn nói bặt thiệp, văn chương lưu loát, nhưng khi nhớ lại vì vậy mà mấy người đàn bà con gái thường gọi điện đến nhà nói chuyện với ông thì Cái Ghen âm ỉ lại nổi lên. Bà than:
-Thường người ta cho rằng phải trẻ mới còn xuân. Mấy ông thấy vợ già là đi kiếm bồ nhí ngay. Bà Mai hôm qua cho tôi hay ông Mai đã lấy một cô bằng tuổi con gái ổng. Ổng lấy cớ có người thuê về VN xem phong thủy, sau đó bảo rằng hồ nước nhà cô kia vượng khí vượng tài nên trồng cây mai ở đấy luôn. Tôi cũng hết xuân rồi nên chưa biết lúc nào thì đến phiên ông sẽ chê tôi khắc tuổi ông để đi tìm người xuân trẻ đây!
Giọng bà có một chút gì cám cảnh, pha một chút gì lo âu cam chịu, nghe như một tiếng thở dài, làm ông Văn chạnh lòng:
-Em ạ! Chưa hẳn trẻ mới là xuân. “Xuân đi xuân đến hãy còn xuân…” mà. Trời đất đã qua vô số thời gian vẫn còn xuân. Mỗi năm có chu kỳ của thời tiết, mùa xuân có mạnh, trọng, quý xuân nè, mỗi tháng có thượng, trung, hạ tuần của từng tháng, mỗi ngày có biến chuyển của từng giờ. Những thay đổi, những biến chuyển này chắc hẳn cũng có ảnh hưỡng âm dương ngũ hành song song hay tương ứng/tương phản với vạn vật trong vũ trụ. Ta thấy chim hay ca vào buổi sáng, như thế chẳng phải chúng cảm thấy xuân vui trong buổi sáng hay sao? Con người dù trẻ hay già mỗi ngày sau một đêm ngủ dậy đều cảm thấy như sức lực được phục hồi, như thế chẳng phải mỗi ngày đã trở lại thanh xuân hay sao? Có vài câu thơ anh ngâm cho em nghe này,
Nắng ban mai sáng niềm hy vọng,
Gió sớm vờn gợi nỗi hân hoan,
Ngàn hoa nở cho thêm hương sắc,
Chim líu lo đệm nhạc tưng bừng. (Thơ lẩm cẩm của Ái Hoa)
Không cần phải đợi đến xuân mới thấy trời xuân, tiết xuân, xuân y, xuân sơn, dáng xuân, nét xuân, xuân sắc, xuân thì, xuân xanh, hương xuân, hoa xuân, mưa xuân, gió xuân, nhụy xuân, sương xuân, xuân ý, xuân tứ, xuân khí, xuân tiếu, xuân khúc, xuân bôi, xuân tửu, men xuân, hay là hồi xuân, xuân dược, xuân tình, xuân cung, xuân thủy… đâu em. Câu “Xuân tiêu một khắc giá đáng ngàn vàng” chẳng phải chỉ đợi đến mùa xuân mới nói được. Không phải chỉ riêng ta mà bao nhiêu người khác hàng ngày vẫn hằng nhìn ngắm và thưởng thức, chỉ có khác nhau là với ý thức hay vô tình mà thôi. Những người con trai muốn tỏ tình một cách lãng mạn thường gọi người con gái là Xuân hay Hoa Xuân và tự ví mình là Bướm hay Bướm Xuân. Bướm dù là bướm ma, đen, trắng, hay già gãy cả cánh cũng vẫn là bướm, vẫn hút phấn hoa được và hoa xuân thì từ hoa bìm bịp, thúi địt, đến tường vi, thạch lựu, hồng cẩm, kim tiền, mẫu đơn, đào tiên, cổ mai, hoàng lan, bạch cúc, dạ lý, đều có nhụy ngọt ngào. Em đối với anh lúc nào cũng vẫn là nàng xuân tươi thắm, còn xuân sắc mặn nồng. Anh không phải là bướm để hút phấn hoa rồi bay đi biền biệt đâu em.
Những lời văn hoa bay bướm của ông làm bà cảm thấy như vừa nhắp chén rượu nồng, má phơn phớt hồng như có làn gió xuân vừa thổi qua. Bà hỏi giọng ngây thơ (trăm lá):
-Làm răng mà hồi xuân được hở anh? Xuân cung ở mô rứa? Xuân thủy là cái chi hè? (Hết giận rồi nên trở lại giọng Huế đặc sệt.)
Ông Văn muốn cười phá ra nhưng cố gượng làm thinh. “Bả không biết thiệt hay giả vờ? Chuyện này mà cũng hỏi thì kỳ thiệt!” Ông nghĩ qua chuyện khác để quên cười… Ông tìm hiểu được rằng người đàn ông có thể sản xuất vô số tinh trùng “mới” nhưng buồng trứng trong người đàn bà thì số lượng 200,000 trứng là có sẵn, và khi hết trứng là thời kỳ mãn kinh thì người đàn bà thường hay gắt gỏng, khó chịu, nhiều khi lãnh cảm thờ ơ, vì phải trải qua những biến chuyển bất thường về sinh lý đó và nhất là vì kích thích tố nữ (estrogen) bị giảm thiểu. Nhiều ông tưởng rằng vợ hết khả năng tình dục vội đi tìm người yêu mới. Thật là lầm lẫn và tội nghiệp cho người vợ! Ân ái là liệu pháp hữu hiệu nhất phục hồi sự tự tin và lạc quan cho người đàn bà, nhờ đó cũng tạo ra được chất morphine nội sinh endorphin và enképhalin gây sãng khoái và làm cho họ tươi trẻ lại. Tính dục rất cần đến tinh thần, nhất là trong trường hợp này. Nếu người chồng biết thông cảm, vỗ về và biết áp dụng những trợ lực cần thiết thì chắc chắn sẽ được phần thưởng xứng đáng. Do lòng cảm kích, người vợ sẽ yêu chồng và trở thành nồng nàn hơn trong tình chăn gối. Và điều đáng nói là, dù là “xuân muộn” nhưng vẫn hơn là “xuân trẻ” vì được thoải mái, không còn lo bị “hiến binh gác cửa” sớm tối làm phiền. Hình ảnh bi thương của bà mẹ 50 tuổi sau khi hy sinh ½ cuộc đời cho chồng con bị cha ông dứt áo bỏ ra đi theo người đàn bà khác trẻ đẹp hơn không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Ông tâm niệm với lòng sẽ không bao giờ làm như thế. Ông chưa hề hết xuân nên không cần phải hồi xuân. Nếu bà có lúc xuân đã qua đi thì ông sẽ giúp bà hồi xuân, sẽ cùng bà tay trong tay đi tìm một mùa xuân bất tận, và giải đáp những gì bà vừa thắc mắc…
-Ơ, cái anh ni làm chi mà kỳ rứa? Khi không ngậm câm như hến! Không muốn nói chuyện nớ thì thôi, em hỏi chuyện khác cũng được. Anh định năm ni mình đi chùa mô, nhà thờ mô để hái lộc đầu năm đây?
Đang trong giấc mơ xuân, nghe vợ trách ông Văn giựt mình tỉnh lại. Nghe câu hỏi của bà Văn có lẻ ai cũng phải kêu: “Hai vợ chồng này ba phải gớm! Chùa chiền, nhà thờ gì cũng đều đi cả!” Thật ra thì đó toàn là ý kiến của bà Văn. Cũng như nhiều bà khác, bà Văn tin rằng đầu năm hái được càng nhiều lộc ở chùa hay nhà thờ thì trong năm có lộc càng nhiều. Chỉ khổ cho những nơi này, nhiều lúc vườn hoa của họ bị bẻ hết cành tan nát! Mồng một Tết năm nay, 26 tháng 1 dương lịch, nhằm ngày thứ hai nên chắc sẽ có ít tín hữu thập phương đi lễ, hy vọng nhà thờ chùa chiền đỡ lo. Xuất hành trong ngày đầu năm còn phải xem lịch coi tuổi và nhắm hướng nữa. Theo lịch thì ngày mồng một năm nay kỵ tuổi Đinh Sửu, Tân Sửu, và hướng xuất hành là Chánh Bắc, Đông Bắc, và Chánh Đông. Bà ấy tuổi Sửu, ông biết nói sao đây? Ông tránh mặt bà ra vào ngày ấy mà được hay sao? Như bất cứ người Việt nào, bà ấy đã sợ “năm tuổi” quá rồi, ông đừng nói gì đến tuổi kỵ là hơn. Cùng lắm thì ông tránh đến gần nơi nào có trâu để khỏi bị chúng nó húc là xong. Nhưng biết làm sao để nhận diện người nào tuổi trâu, ngoài bà vợ ông? Cũng may là chỉ cần kỵ một ngày chứ suốt năm thì ông chết chắc!
Về phương hướng thì biết đi đâu đây? Nhà thờ hay chùa chiền nào gần cũng nằm về phía đông, nam, hay đông nam của nhà, mà khuôn viên cũng nhỏ bé không có cây cối hoa cỏ gì nhiều. Bảo rằng không có để khỏi đi thì cũng tội, thôi thì hãy tìm một ngôi chùa hay nhà thờ lớn hơi xa một chút ở một trong ba hướng tốt kia cho bà ấy vui. Ông nghỉ thật nhanh.
Bản thân ông Văn chẳng tin gì cả. Theo ông thì lộc chỉ là những cành lá non chứa nhựa sống trẻ ở đâu cũng có. Nếu tin thì cứ hái năm bảy cành ở nhà, đem đến chùa hay nhà thờ nhờ làm phép cũng được. Tuy vậy, tin vào lộc đầu năm đem tài lộc may mắn đến xem ra còn dễ thương hơn là thờ mấy ông thừa tướng các triều đại xưa của Trung Quốc như Phúc, Lộc, Thọ mà chẳng cần biết đến tiểu sử của các ông ấy như thế nào. Ông Phúc còn đáng thờ vì có đầy đủ những đức tính như vinh hoa phú quý liêm khiết phúc hậu nhân từ, chứ các ông kia thì thờ vì cái gì? Ông Lộc thì giàu có ngập đầu nhờ tham nhũng hối lộ, mà giàu có để làm gì khi cuối đời ông ta bệnh hoạn thịt da thối rữa hôi hám nực nồng chẳng ai dám đến gần? Phần ông Thọ, ông ta cúc cung nịnh hót vua không phân phải trái để hưởng long ân, được ban thưởng bao nhiêu đều xài hết vào việc mua gái trinh dùng dưỡng dương để sống được lâu. Mà sống lâu thêm vài ba chục năm để làm gì? Cả con lẫn cháu đều chết trước không ai đưa tang càng thê thảm. (Xin hãy xem bài “Phúc, Lộc, Thọ, Các Cụ Là Ai?” của Dương Duy Ngữ.)
Ông Văn mong những tin tưởng như thế chưa là thâm căn cố đế đối với bà vợ. Ông sẽ từ từ giải thích cho vợ hiểu, may ra về sau sẽ khỏi phải bị bà bắt dẫn đi mua tượng và đi loanh quanh hái lá nhà người ta nữa. Nhưng năm nay cứ đi cho bà vui đã! Ông bảo bà:
-Anh đang nghĩ mình nên đi đâu đây mà. Mình đã đi chùa LU lần nào chưa nhỉ?
-Em có nghe nói chùa nớ lớn lắm nhưng chưa lần mô đi hết. Nghe mô chùa ni chỉ là tu viện hay thiền viện chi đó thôi. Nhưng đã là chùa thì có chùa mô mà không mở cửa cho tín hữu thập phương tới thắp hương đãnh lễ cúng dường đầu năm phải không anh? Rứa là mình sẽ đi chùa LU nghe anh! Em rũ trước nhóm bạn cùng đi chung mới được.
“Rồi! Chùa năm nay sẽ gặp may rồi đây!” Ông Văn lắc đầu than thầm.
Thấy ông lắc đầu, bà Văn hỏi liền:
-Bộ anh không thích đi chùa, không thích ăn Tết, không thích vui xuân hay răng mà lắc đầu rứa? Em thấy anh vẫn thường tham gia rất tích cực trong những dịp lễ hội của cộng đồng người Việt mình ở đây mà.
-Lần nào em đi chùa cũng rũ cả đám bạn bè đi theo như đi xem hát không bằng, không lắc đầu sao được? Về chuyện ăn Tết và vui xuân thì em không hiểu ý anh rồi đó. Anh chỉ muốn nói cho em hiểu về sự lạc điệu của những người tha hương như mình đối với Tết và Mùa Xuân ở đây, chứ anh có phản đối chuyện giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông bao giờ? Anh cũng mừng là người Việt mình ở đây đã có rất nhiều nổ lực, không quản ngại công khó, tốn kém để tổ chức những lể, hội, nhất là những Hội Chợ Tết linh đình vui nhộn cho chúng ta cùng con cháu có cảm tưởng như đang vui Tết hằng năm ở quê nhà. Cũng vui khi nhân dịp này người nào thích nhậu thì có dịp chén chú chén anh, thích hò hẹn thì tô điểm thêm nhan sắc, thích đỏ đen chuẩn bị tiền sát phạt, thích hái hoa bắt bướm thì luyện lại tay chân, thích thám hiểm đó đây thì đi du lịch….
Bà Văn reo lên:
-Phải rồi anh! Mình đi du lịch đi anh! Anh có kể cho em nghe cái vùng chi đó đầy cả cỏ non đẩm sương mai tươi thắm có con nai vàng đang cúi đầu xuống uống nước suối trong lành…
Nghe vợ yêu cầu, ông Văn hưởng ứng ngay, mặt mày hớn hở ca liền một bài cải lương:
-Em nghe chăng bên ngoài đang rộn rả tiếng oanh ca? Thuyền riêng của chúng ta sẽ bập bềnh trên sóng nước, nương cánh gió đưa chúng ta đổ Bến Xuân, đến Xuân Cung viếng Chúa Xuân và nếm nước Cung Vị Thủy cho em tròn ước nguyện hôm nay.
Được chồng hứa cho đi du lịch, vui quá nên bà Văn lại ca: “Em như cô gái hãy còn xuâng, trong trắng thâng chưa lấm bụi trầng…”
Ái Hoa
(Viết cho Mùa Xuân Bất Tận)
Những chữ sai chính tả như xuâng, thâng, trầng.v.v. đều do tác giả cố ý viết sai. Xin đừng sửa. Xin cám ơn.
Ái Hoa