NHỚ NHỮNG MÙA XUÂN THANH BÌNH XƯA CŨ

Pensée Đàlạt

 

                                          Pensée-đàlạt    

Khi  ngọn gió đông thổi ập vào thành phố nhỏ cùng với những trận mưa tuyết đổ xuống làm trắng xóa mọi lối đi, ngàn cây nội cỏ,  là lúc bà Thùy thấy nhớ quê hương da diết. Bà thì thầm một mình :“Tết sắp đến nơi quê nhà mình rồi !“. Hình ảnh cha mẹ già và các em còn lại ở Việt Nam với cái không khí sắp đến Tết Nguyên Ðán khiến hai vai  bà run lên trong nỗi nhớ gia đình ngập tràn trong lòng, nước mắt bà trào ra những giọt nóng, rơi xuống gò má giá lạnh của người đàn bà đã ngoài ngũ tuần. Bà Thùy cảm thấy cô đơn quá trong căn nhà rộng thênh thang này. Chồng bà đang ở chỗ làm, hai con gái đứa đã có gia đình riêng, êm ấm bên chồng con; đứa đi học ở tỉnh xa, lâu lâu mới về thăm. Bạn bè bà vẫn nói với bà bằng giọng so sánh : „ Số của chị an nhàn sung sướng, có mấy ai được như vậy đâu“ . Quả đúng như vậy. Ðã định cư gần 20 năm ở nước ngoài, tuy không giàu có nhưng ổn định vì cả hai vợ chồng bà đều có việc làm đều đặn, con cái đã trưởng thành, học hành tới nơi tới chốn. Bà chẳng còn mơ ước gì khác nữa, nhưng… sao cứ những ngày giáp Tết VN thì bà Thùy lại cứ thấy tim bà như thắt lại, rồi bà ngồi suy tư, nghĩ ngợi nhiều lắm. Bà tự hỏi vì sao dân mình lại sống xa nhà nhiều đến thế, trước kia có mấy ai thích đi xa gia đình, xa những người ruột thịt bao giờ ?  Bà thấy nghẹn ở cổ và nghe khó thở quá khi nghĩ ra được cái nguyên nhân đắng nghét khiến gia đình bà và nhiều người khác phải lìa bỏ quê hương sống rải rác khắp mọi nơi trên quả địa cầu này. Hai mắt của bà bỗng dưng ráo hoảnh, bà tỉnh táo hơn khi nhớ lại những cái Tết Nguyên Ðán thanh bình trước đây khi bà còn là cô gái nhỏ mười một, mười hai  tuổi …

„…Ðầu tháng chạp âm lịch, gia đình cô bé Thùy đã rộn ràng nhập hàng hóa để bán cho dịp Tết. Nhà ở và cũng là cửa hàng số 246 nằm trên  đường Võ di Nguy Phú Nhuận, đối diện với  trường tiểu học Võ Tánh, nơi Thùy học.  Căn nhà dài lắm,  đâu chừng 32 mét mà cô bé Thùy suốt ngày lăng xăng, ra vào không biết mỏi chân. Những lúc đông khách, tuy còn nhỏ nhưng cô đã có thể ra phụ với cha mẹ và anh trai những công việc như  gói hàng, thối lại tiền cho khách… Thùy ưa thích được làm công việc này lắm, nên những khi vừa tan trường từ con đường trước mặt, băng qua vào đến nhà, cô cất cặp rồi ra ngay cửa hàng để cùng được „bận rộn“ với gia đình mà thấy lòng cô vui khôn tả .
Dù bận rộn với công việc kinh doanh, cha của cô lại là người có tâm hồn nghệ sĩ đáo để.
Những lúc cửa hàng vãn khách, khi con đường Nguyễn Huệ đã có chợ hoa, ông xách máy hình lang thang dọc theo phố hoa để „săn“ ảnh. Ông chụp bất kỳ những gì ông bắt gặp. Nếu là những phụ nữ duyên dáng xinh đẹp đang lựa mua hoa Tết, chụp xong ông còn hỏi địa chỉ để gửi tặng. Ảnh đen trắng rửa ra nhiều đến hàng trăm tấm khổ nhỏ, đa








số là ảnh phụ nữ e ấp bên các loài  hoa, số còn lại là những chậu hoa, loài hoa đẹp mà ông đã chụp vì thú vui đến quên cả vợ con đang tất bật buôn bán ở nhà !.

Một hai tuần trước Tết, cha cô bé Thùy chở về nhà hàng chục cây hoa để chưng tết. Nào là Thược dược vàng, tím;  Cúc đại đóa trắng, vàng; Vạn Thọ bông lớn, màu vàng đậm, nhạt. Hai bên cửa hàng ông đặt 2 chậu quất xum xuê những quả tròn lẳn, da vàng bóng láng, kết lủng lẳng những bao lì xì in hình mấy ông Phúc, Lộc, Thọ trông thật bắt mắt. Khách vào mua hàng đều trầm trồ trước những cây cảnh được bày trí, và khách còn vui lòng hơn khi nhận được những bao lì xì „lấy hên“ từ tay cô bé Thùy trao tặng. Bên trong phòng khách cũng tràn ngập hoa tết khiến căn nhà như rực rỡ, vui tươi hơn trong dịp xuân về.

Trước ngày đưa ông táo về trời hai ba bữa, vì là con trai lớn nên anh của cô bé Thùy được phép lau chùi bộ lư đồng trên bàn thờ ông bà nội của cô. Anh vừa làm vừa huýt gió nghe vui lắm vì anh đã được cha cô hứa sẽ mua cho chiếc xe Honda mới, thay cho chiếc xe đạp „cuộc“ đã cũ để đi học và để „lấy le“ với bạn bè cùng trường. Còn cô, vào giữa trưa, lúc cửa hàng đóng cửa, cùng mẹ đi chợ mua sắm đồ cúng đưa ông táovào ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch. Cô thấy mẹ cô mua trái cây đủ loại, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc và một xấp giấy nghe gọi „Cò bay, ngựa chạy“ gì đó mà không thể thiếu được. Rồi bà dẫn cô tới khu bán cá, chọn mua một con cá chép thiệt bự, mang về nhốt trong thau đổ nước cho nó còn sống, bơi lội thỏa thích chờ đến giờ cúng thì đặt nó trước bàn thờ có  hoa quả, bánh trái, rượu đế đã dọn sẵn. Cha cô thắp nhang, lâm râm khấn vái một hồi, ông lấy xấp giấy tiền vàng bạc và cả xấp „Cò bay, ngựa chạy“ châm lửa đốt trong một cái thau nhôm, khi cháy gần hết, ông đổ 3 chung rượu cúng vào, đứng dậy xá xá mấy cái rồi bắt con cá bỏ vô thau nước trở lại. Ông nói phải làm y như vậy thì ông táo mới có „tiền“ làm lộ phí về trời, „báo cáo“ tốt đẹp những gì đã xảy ra trong gia đình nhà ông suốt một năm qua.

Những ngày sau đó chỉ còn cha và anh của cô bé Thùy cùng với sự trợ giúp của một người anh họ đứng bán hàng cho tới tận trưa ba mươi tết. Mẹ của cô lo đi chợ mua nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối, dây lạt,  để chiều hai chín tháng chạp,  bà trải chiếu ngồi giữa căn bếp rộng, quây quanh là đủ thứ đồ dùng cho việc gói bánh tét, bánh ít. Bởi nhà nhiều con nên mỗi năm má của cô gói hơn hai chục đòn mặn, ngọt đủ cả treo đầy gác bếp. Mùi bánh tét khi nấu chín thơm lừng hương nếp quện với mỡ thịt, khiến cô nghe thèm chảy nước miếng. Ngoài ra mẹ cô còn đặt trên bếp một nồi thịt,  kho với trứng hột vịt và nước dừa tươi hấp dẫn. Món này cuốn bánh tráng, dưa giá, củ kiệu thì ngon „tuyệt cú mèo“ !  Cái không khí rộn ràng, chuẩn bị cho những ngày sắp tết trong nhà khiến tâm hồn non trẻ của cô náo nức chi lạ. Thường ngày cô buồn ngủ sớm, vậy mà sắp tới tết, cô lẽo đẽo theo má  lụi hụi làm cái này, chuẩn bị cái kia tới khuya trờ khuya trật mới chui vô giường, báo hại sáng ngày tới trường, ngồi trong lớp cô ngáp dài ngáp ngắn , cũng









may sắp tới tết cô giáo dễ dãi cho học trò được vui chơi nhiều hơn bắt học hành chăm chỉ.

Năm nay cô bé Thùy sẽ thêm một tuổi, cô sắp 13 ! Cô reo lên khi mặc thử chiếc áo dài đầu tiên mẹ đặt may cho cô. Thật là ngộ khi lớp vải ôm sát lấy thân hình còn nhỏ xíu của cô khiến cô cứ giật mình từng chập vì cô tưởng cô không mặc thứ gì trên người. Chiếc áo dài may bằng loại vải gì mà nhẹ hều, đi qua đi lại một chút là hai tà áo trước sau cứ bay lên khiến cô lính quýnh đưa tay giữ chặt chúng lại. Cô nhìn bóng cô trong kiếng thấy mình cũng „ngồ ngộ“ dữ đa, cô toét miệng cười , xoay bên này, ẹo bên kia một hồi cô thấy tự nhiên hơn, hai tà áo có bay cô không thèm giữ lại nữa. Tết này cô sẽ „diện“ chiếc áo dài này mỗi khi đi chơi với gia đình nên cô cần „biểu diễn“ trước cho quen.

Sáng ngày ba mươi tháng chạp âm lịch, bà con nội ngoại của cô đem quà tới cúng hoặc biếu gia đình cô chất đầy một cái bàn dài trong phòng ăn. Thôi thì đủ thứ : Dưa hấu loại
một mấy cặp, Bưởi Biên Hòa gần chục trái da vàng ươm, tươi rói; Vú sữa trái nào trái nấy bóng láng, da mỏng rất ngon... nhiều không sao kể hết. Cha của cô tiếp bà con mệt nghỉ, chị giúp việc nấu nước pha trà đãi khách không ngơi tay. Ngoài khách mua hàng phía trước, kẻ ra người vào nhà cô nườm nượp,  cô quên không nói, cha cô là con trai độc nhất lãnh phần cúng tế nên mỗi năm tết đến là nhà cô như mở hội.

Tới mười hai giờ trưa thì anh hai của cô ra kéo hai tấm cửa sắt đóng cửa hàng lại, mọi chuyên bán buôn coi như tạm nghỉ cho tới ngày tốt đã được cha cô coi kỹ trong cuốn lịch Tam Tông Miếu, mới khai trương trở lại.

Khi bà con đều đã ra về thì cha mẹ cô cũng chuẩn bị cho buối cúng giao thừa vào lúc nửa đêm mà cha cô gọi là Lễ Trừ tịch. Cô còn nhớ như in lời giải thích của cha cô cho con cái hiểu thêm :„Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng Giêng năm sau“.

Khi mẹ của cô đã sắp dọn xong các thứ để cúng như trái cây, bánh tét… trên bàn thờ tổ tiên và một mâm tương tự như vậy được đặt trước sân nhà, thì cha của cô bảo anh em cô đi tắm gội sạch sẽ, mặc những bộ quần áo mới vào để buỗi cúng được trịnh trọng hơn.  Chẳng phải chờ đợi lâu khi những tiếng pháo đón Giao Thừa đồng loạt vang lên vào lúc nửa đêm, cả gia đình cô cùng đứng trước bàn thờ ông bà khấn vái với lòng ghi nhớ công ơn những người đã khuất, cầu mong một năm mới thịnh vượng an khang cho gia đình, con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn, hiếu đễ…Khi đứng dưới trời đêm trừ tịch, một bầu không khí linh thiêng thấm sâu vào tâm hồn cô bé Thùy,  tỏa lan ra thành những xúc cảm về một quê hương thanh bình, xóm làng no ấm, sau nữa là tình cảm








đầm ấm trong lòng cô đối với cha mẹ và anh em ruột thịt.

Lễ giao thừa ở nhà xong, cha mẹ cô cùng nhau đi lễ chùa Xá Lợi gần trường nữ trung học Gia Long, khi về thể nào cha cô cũng đem về một cành lộc hái từ cây cối trong vườn nhà chùa, những mong trong năm mới sẽ được Trời Phật ban cho nhiều lộc ăn , lộc để. Cha cô đem cành lộc này cắm chung vào bình hoa trên bàn thờ cho đến khi tàn khô.  Có lần cha cô đi chùa một mình vì tuổi của mẹ cô năm đó không hạp để „xông đất“, e không đem lại những điều may mắn cho năm mới.  Anh em cô thức suốt đêm ăn uống những thức ăn đã cúng trong lễ Giao thừa hoặc cắn hột dưa, ăn mứt không biết chán.

Sáng ngày mồng một, cha mẹ cô sau khi đã làm lễ cúng ông bà xong, áo quần chỉnh tề ngồi ở phòng khách để anh em cô tới chào mừng chúc tết. Anh trai cô đại diện cho đám con nít là cô và mấy đứa em còn nhỏ xíu chúc cha mẹ cô một năm buôn bán phát tài, mạnh khoẻ. Cha mẹ cô vuốt đầu anh trai cô khen ngoan và cũng chúc lại anh em cô nhiều điều tốt đẹp kèm theo những bao lì xì dúi vào tay…“

Có tiếng mở cửa lách cách từ chiếc chìa khóa khiến giòng hoài niệm của bà Thùy bị cắt đứt giữa chừng. Bà lên tiếng hỏi : „Anh về đó à ?“ . Ông Thư chồng bà còn đang đứng ở căn phòng nhỏ phía trước cửa chính cởi nón áo, miệng xuýt xoa : „ Trời lạnh kinh khủng em à, sao em không mở lò sưởi lên ?“.  Vừa bước vào phòng khách, nhìn thấy bà ông kêu lên : „Em làm sao thế này, mặt nhợt nhạt thế kia…“, nhưng rồi ông khựng lại, nhìn vào mắt bà khẽ hỏi : „Em lại nhớ nhà phải không ?“. Bà Thùy từ nãy giờ vẫn im lặng không trả lời chồng, nhưng đúng là vài giờ trước đây bà đang thả hồn về với cha mẹ của bà hiện nay đã rất già, hay đau ốm luôn. Bà thì thầm với ông Thư một câu mà bao nhiêu năm nay mỗi khi nhớ quê hương, cha mẹ bà vẫn nói : - „Bao giờ mình có lại được những mùa xuân thanh bình xưa cũ, hở anh ?“.  

Cuối năm 2008

Pensée Đàlạt