THƯ GỬI CÔ GIÁO ÐÃ ÐI XA
Pensée Đàlạt
(Ðể tưởng nhớ cô giáo Ðoàn Phi Loan)
Cô thân yêu,
Nghe tin cô đột ngột qua đời, em bàng hoàng sửng sốt. Ðành rằng đời người ai cũng phải một lần đi xa, nhưng em vẫn mong ước được gặp lại cô một ngày nào đó, như trước đây sau năm bảy lăm, thầy trò bặt tin nhau do thời cuộc hơn chục năm, tình cờ em tìm lại được chỗ cô ở trong đám hóa đơn tính tiền điện – nơi em đang làm việc lúc bấy giờ - em đã đạp xe đến thăm cô ngay, căn nhà ở cư xá Thanh Ða xa tít mù . Cô sống im lìm trong căn nhà ấy cùng với người con trai duy nhất vì chồng cô đã phải tìm đường ra đi, thoát khỏi cái “nhà tù„ đã giam lỏng hết thảy dân miền Nam chúng ta. Em nhớ như in dáng cô, tuy thời thế có đổi thay, cô vẫn đẹp giản dị như thời trước, cô kể về nhiều câu chuyện, giọng vẫn vui vẻ, linh hoạt nhưng thanh chất là tiếng lòng buồn ray rứt vì nhớ chồng, nhớ tiếc cái nghề nghiệp mà cô hằng yêu thích với đàn học trò đã cùng cô chia xẻ nỗi vui buồn dưới mái trường Bùi Thị Xuân thân thương. Em không ngăn được nước mắt khi nghe cô kể lại ngày chồng cô từ giã vợ con để vượt biển tìm tự do. Ra đi phải lén lút mà con cô thì khóc lớn tiếng „hu hu“ khi thấy cha đi khòi nhà, thật chẳng còn cảnh nào đau đớn hơn.
Lần thứ hai không rõ là vào thời gian nào, em lại đến thăm cô cũng tại ngôi nhà ở cư xá Thanh Ða. Gặp lại cô em sững sờ vì trên gương mặt xanh xao vẫn còn nét kinh hoàng bởi trước đó không lâu, một bọn thanh niên đã đột nhập vào nhà cô, chúng đã uy hiếp và cướp đi những tài sàn do cô chắt chiu, gìn giữ từ bao năm. Cô đưa ngón tay áp út vẫn còn rỉ máu, cay đắng nói với em là bọn khốn nỡ lòng cướp luôn kỷ vật thiêng lieng của cô với người chồng đã xa cô vạn dặm lúc bấy giờ. Em xót xa nhìn cô và trào nước mắt khi nghe cô kể về cái ngày kinh khủng đó.. Trông cô héo hon và ánh mắt buồn vời vợi. Có chút cay đắng trong lời nói của cô về một xã hội nhiễu nhương, khốn khó, về đạo đức suy đồi của con người đối với nhau mà cô là một giáo sư dạy môn công dân giáo dục và triết lý nhân sinh, cô làm sao chấp nhận được phải không cô ?.
Khi còn dạy chúng em ở BTX, cô có biệt tài kể chuyện thật hấp dẫn và cuốn hút người nghe. Nhìn miệng kể duyên dáng cùng những dáng điệu minh họa của cô khiến đám học trò nữ đang tuổi „cập kê“ chúng em mê mẩn cả tâm hồn. Ðến những đoạn tếu lâm, cô diễn tả rất linh động và hài hước khiến bọn em cuời lăn, cười bò, cười ra nước mắt. Sau mỗi buổi học công dân giáo dục hoặc hay triết khô khan, học trò chúng em đều được cô tưới những giọt nước mát mẻ trong lành bằng những câu chuyện vui, những áng văn hay, khiến học trò không căng thẳng hay mỏi mệt, trái lại chúng em chỉ mong mau chóng đến giờ của cô để sau khi bài học chấm dứt, lại được nghe cô kể những câu chuyện mà sau này ra đời chúng em vẫn còn đem theo mãi trong ký ức của mình. Nhìn cô đứng trên bục giảng, ngày đó em ước mong sau này cũng sẽ làm cô giáo như cô. Có nét gì đó thanh khiết, mỏng manh như một đóa đào nhật bản ở nơi cô, chỉ nên rất khẽ khàng và trân qúy.
Em có rất nhiều kỷ niệm với cô khi còn học ở Ðàlạt, muốn kể ra đây để nhớ về một thời đẹp nhất trong cuộc đời em, gửi sang cô như những thư trước em đã viết, vì cô luôn còn mãi trong tâm tưởng của em cô ạ!.
Nhớ có năm trường BTX tổ chức sinh hoạt trại hè thật rầm rộ với nhiều bộ môn tranh đua như : Nữ công gia chánh, thể dục thể thao, thi dựng lều, nấu cơm bằng bếp với ba cục gạch… rất vui và hào hứng. Có lẽ do ít tham dự những sinh hoạt có tính quần thể nên lúc đầu cô còn hơi ngần ngại, nhưng sau khi bị học trò lôi kéo, thoát chốc cô đã quen với những bộ môn tranh tài và hăng hái cổ võ học trò của cô để dành đưọc nhiều chiến thắng. Em có gửi sang tấm hình chụp cô trên đồi cù nơi thầy trò mình tham dự trại hè năm đó, cô còn nhớ không?
Tuy là người trầm lặng, ít giao thiệp nhưng đối với học trò cô lại là người để chúng em - những nữ sinh ở độ tuổi thiếu nữ lúc bấy giờ - tin tưởng, gửi gấm những tâm sự thầm kín về tình cảm, gia đình. Có đứa bạn buồn chán chuyện gia đình bỏ nhà ra đi, tìm đến cô kể lể, cô khuyên răn nên quay về. Có đứa người yêu vừa chết trận, nước mắt đong đầy khóc với cô, cô dỗ dành an ủi – trong khi anh họ của cô hy sinh – cô cũng khóc nhưng nén không rơi giọt lệ, thỉnh thoảng nhìn tấm ảnh người anh để nơi kệ tủ phòng khách, nhưng em biết lòng cô đau xót lắm !.
Lần thứ ba em lại đến thăm cô vì gia đình em sắp làm một chuyến vượt biển, muốn đến thăm cô, để nếu đi được coi như đã gặp cô trước khi ra đi. Gõ cửa nhà cô thì không thấy cô nữa mà là một chủ nhà khác, gương mặt của chế đô mới đã vào chiếm lấy căn nhà của gia đình cô mất rồi. Họ bảo cô đã vượt biên. Em vội vàng rút lui nhưng cũng kịp nhìn thấy một số đồ vật trong nhà là của cô trước kia. Trên đường đạp xe về nhà em cầu mong cô và em Bằng đi được tới nơi tới chốn bình an để đoàn tụ với thầy đã ở bên Mỹ. Cảm giác này em vẫn còn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay vì em cũng đã trải qua những giây phút kinh hoàng trong chuyến vượt biển năm đó nhưng gia đình em đã không thành công hoàn toàn mà chỉ có một đứa em gái tới được bến bờ tự do, nay đang sống tại Úc.
Em không nhớ rõ ai nói với em, cô đã đi thoát và thầy đã bào lãnh cô vào Mỹ. Em rất mừng khi nghe tin này vì trong thâm tâm, cô không thể ở lại Việt Nam lâu hơn nũa, em đã nghĩ như vậy trong lần thứ hai đến thăm cô và biết cô bị nạn. Có cái gì đó yếu đuối, dễ vỡ trong cô mà cái xã hội lúc đó sẽ làm tổn thương đến đóa hoa đào mỏng manh là cô.
Hình như em và cô có duyên với nhau trong cuộc đời này hay tại em hay luyến tiếc những tháng ngày sống và học ở BTX với cô, nên dù thất lạc nhau, đất trời vẫn run rủi cho em tìm lại được cô.
Năm chín mươi mốt em sang đoàn tụ với chồng ở Ðức. Những năm đầu chưa được phép đi làm nên nhàn rỗi em chỉ đi học tiếng và tham gia những sinh hoạt nơi các hội đoàn người Việt bên này. Tình cờ đọc báo Viên Giác của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất ở Ðức, trong một bài viết em nhìn thấy hình của cô và thầy trên báo!. Không thể diễn tả hết nỗi mừng vui của em khi trong lòng em lúc nào cũng mong biết được tin của cô. Phải chăng đây là nhân duyên từ kiếp nào cho em được là học trò của cô, được cô yêu qúy, để dù có lưu lạc bất cứ phương trời nào em và cô cũng vẫn tìm lại nhau?. Một lần nữa em liên lạc lại được với cô qua sự giúp đỡ của anh chủ bút tờ báo VG. Nhận được tin em đang sống ở Ðức, cô viết thư mừng em và không quên gửi sang cho em một ít tạp chí, sách truyện khi em viết sang nói bên này em không có sách báo tiếng Việt để đọc. Cô bảo em là người may mắn lắm khi đặt chân đến nước Ðức tự do mà không phải bằng con đường nguy hiểm. Nhớ lời cô nói em cố gắng sống sao cho xứng đáng với cái may mắn mà em đã có được.
Em trở thành đọc giả của tờ báo do chồng cô làm phó chủ bút, đọc những bài viết của cô, em hình dung lại những ngày cô còn đứng trên bục giảng, nhớ lại thời gian làm học trò nơi thành phố sương mù xinh đẹp, nhớ ngôi trường mái đỏ với nhiều kỷ niệm khó quên khác nữa.
Ngoài ra, trong những bài viết hoặc bài dịch phản ánh tri thức và sự hiểu biết của cô đã khiến em thấy sự học thật khôn cùng và em còn phải học hỏi rất nhiều điều nếu muốn làm giàu cho kiến thức của chính mình. Rất đều đặn, em và cô thư từ qua lại thăm hỏi nhau vào những dịp lễ, tết. Em biết cô thương và thông cảm hoàn cảnh chậm trễ của em nên thư nào cũng nhắn nhủ, khích lệ tinh thần, hỏi han đủ chuyện khiến em như có nguồn động lực sát bên nâng đỡ. Khi con trai cô có con, viết thư cho em, cô hân hoan khoe đã trở thành bà nội, và cũng chẳng „thua kém“ cô giáo, học trò của cô là em cũng làm bà ngoại rồi !. Thư sau cùng cô viết sang bảo cháu nội của cô đã vào mẫu giáo, chữ của cô viết sao nghuệch ngọac quá khiến lòng em cứ thắc mắc thôi mà không hỏi. Cô bảo cô yếu nhiều nhưng em cứ nghĩ do tuổi về già, máu huyết không điều hòa nữa nên hay sinh ra những bệnh sau thời kỳ mãn kinh của phụ nữ mà thôi. Ngờ đâu cô gửi lá thư sau cùng để vĩnh biệt em !.
Thư này viết cho cô như một lời tạ tội đã không để ý đến những dấu hiệu báo trước sự đi xa của cô, cũng là một tiếc nuối chưa gặp lại cô kể từ khi đến thăm cô lần thứ hai ở Thanh đa cho tới nay. Em định sẽ sang Mỹ thăm cô và dự buổi họp mặt cựu học sinh BTX và THD được tổ chức hàng năm ở bên đó.
Dẫu sao vẫn cám ơn trời đã cho em gặp và làm học trò của cô trong cuộc đời này. Nếu còn duyên, lẽ nào cô và em lại chẳng tìm được nhau ở kiếp lai sinh cô nhỉ?.
Năm nay, vào tháng giỗ của cô, em cũng vừa quấn lên đầu mình một vòng khăn trắng.
Cha của em mất rồi cô ơi !.
Viết lại tháng 8/09
Pensée Đàlạt