Xót Xa

Pensée Đàlạt

 

                                                                                              Pensée-đàlạt
Kính dâng hương hồn Cha tôi  
15.03.2009 (19.02.Kỷ Sửu)

Cách đây ba năm cha tôi bị ngã nhẹ khi ông sống một mình trong căn nhà với vườn cây, ao cá vây quanh. Sau lần đi cấp cứu đó, cha tôi không còn đi lại được như trước nữa, bác sĩ bảo cha tôi bị tai biến và khuyên không được để cha tôi sống một mình.  Chị em chúng tôi bàn nhau đưa ông về ở nhà cô em gái goá chồng đã mười năm nay ở quận năm cho tiện đường đi lại và săn sóc.

Những lần về thăm nhà nhìn cha tôi ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm miết trên giường, trở người qua lại khó khăn,  lòng tôi nghe xót xa lắm, có muốn đi du lịch cùng với các con cho chúng biết phong cảnh quê nhà, chẳng lẽ cứ ngồi nhà hết ra lại vào, hết ăn lại  uống, chuyện trò mãi cũng không còn gì để nói nữa. Nhưng nhìn cha,  tôi lại ngại không muốn đi. Trên gương mặt của ông - người có thời tung hoành ngang dọc và  tháo vát – mang nét đau khổ và buồn rầu khi nhìn mình giờ chỉ còn là một khối nặng nề,  luôn chờ đợi bàn tay của đứa con gái có số phận hẩm hiu nhất trong gia đình phụ giúp. Chị em tôi, những đứa ở xa, hàng tháng chung tiền đưa cho cô em, coi như trả công nuôi cha già bệnh tật, vừa tạo thêm thu nhập cho cô được vui. Tiền ăn xài của cha mẹ tôi đã hơn chục năm nay do những „khúc ruột ngàn dặm“ gửi về đều đặn, các em tôi ở nhà chẳng phải chi một xu nhỏ nào, chỉ cần sáng thăm tối viếng là đủ.

Cha tôi sống ở nhà con gái được một năm thì đòi về ở với con trai út của ông ở Gò-Vấp. Tuy bệnh tật nhưng ông vẫn biết ngại ngùng khi bạn bè, khách khứa của con gái và cháu ngoại đến nhà chơi mà ông thì nằm ở chiếc giường kê ngoài phòng khách. Không muốn ai nhìn thấy „thời oanh liệt“ của mình nay đã hết, cha tôi nhất định không ở với con gái nữa. Chị em tôi lại sắp xếp nhà cửa, dành riêng cho ông một phòng tiện nghi, cậu em út phải nghỉ việc ở nhà trông nom cha tôi cho được chu đáo, tiền hàng tháng biếu cậu còn cao hơn lương đi làm ở hãng. Em trai tôi săn sóc cha tôi rất kỹ lưỡng, ông khỏe lên trông thấy. Khi còn ở nhà quận năm, ông không được con gái tập đi  nên nhìn ông không nhanh nhẹn, sống với con trai ông đi lại được một chút nhờ cậu em kiên nhẫn tập luyện cho mỗi ngày. Về thăm mới thấy việc chăm sóc người già bệnh tật không đơn giản chút nào. Em trai tôi có lúc cũng mất kiên nhẫn,  lớn tiếng với ông, thế là ông cho nghe „liên khúc…chửi“  điếc tai luôn !. Em tôi bảo ông già khó tánh lắm, nhất là biết mình được hưởng „chế độ chăm sóc đặc biệt“, có nguồn „tài trợ“ từ nước ngoài nên hay đòi hỏi quyền lợi lắm!. Chẳng hạn ông đòi đưa ông đi về cửa hiệu quen gần nhà ông trước đây để được anh thợ  cắt tóc cũ lấy ráy tai, cạo râu và cắt tóc chứ nhất định không chịu để con trai làm việc đó. Lần về thăm năm đó, tôi thuê xe taxi đưa cha tôi về thăm nhà cũ, vườn xưa cây cỏ mọc um tùm, lấp cả lối đi. Mặt ông hớn hở hẳn lên, láng giềng kéo đến thăm hỏi khiến ông vui ra mặt,  lại tính đòi về ở luôn đấy khiến tôi phải một phen „thuyết trình“, hù dọa những nguy cơ ông sẽ gặp nếu sống một mình ở nơi xa xôi mà con cái không thể nào theo nổi. Làm mặt giận, ông im ru đi ra taxi neo chờ cả tiếng ở ngoài rồi lạnh lùng bảo đưa ông đến tiệm cắt tóc quen cho ông được „làm đẹp“ một lần. Nghe nói, tôi thấy thương cho cha tôi quá. Cả đời vất vả làm lụng nuôi vợ và một đàn con chín đứa, đã có thời „lên xe, xuống ngựa“, sướng khổ bao phen nhưng chưa có phen nào cha tôi khổ và bất đắc chí bằng thời gian sau năm Bảy lăm. Cơ nghiệp mất trắng lần tư sản bị đánh tơi bời, người cha tôi gầy rạc đi khi nhà cửa, xe cộ lần lượt đem bán dần, lấy tiền nuôi con. Lần thứ hai cha tôi thất thểu trở về nhà sau gần một tháng trời đưa ba đứa con đi vượt biển thất bại, tóc cha tôi trắng muốt sau lần bị gạt  ấy. Biết cha mẹ phải trải qua nhiều vất vả cũng như buồn phiền của thời cuộc, đất nước tai ương nên lúc chị em tôi,  đứa thành công chút đỉnh khi đến được xứ sở tự do, đứa còn long đong nơi xứ người, đều chung một ý nghĩ và quyết tâm trả ơn cha mẹ, bù đắp lại những nhọc nhằn,  mất mát, lấy lại thanh danh cho gia đình  mà trong những năm sa cơ thất thế, cha mẹ và  chúng tôi đã biết rõ ân tình, lòng dạ của từng người thân và bè bạn…

Bao nhiêu năm sau chuyến đào thoát phiêu lưu năm Một chín tám mươi là bấy nhiêu năm cha tôi sống xa vợ con, sự vắng mặt của ông lẫn vào cuộc sống,  vào nỗi nhọc nhằn bương chải kiếm sống của từng đứa con, có lúc chúng tôi không nhớ mình còn một người cha thân yêu đang sống ở chốn trời xa, khỏe yếu thế nào. Chỉ những đêm khó ngủ, trằn trọc hay  suy nghĩ về cuộc sống khó khăn, về những bất công của xã hội mới, thì hình ảnh  cha già mới hiện ra, lòng nghe xốn xang như muối xát, lập tức ngày hôm sau nhắn một đứa em thất nghiệp, đưa một ít tiền, bảo mua một số vật dụng, đi tìm và đem cha về thành phố. Chẳng ngờ cha tôi chán đời, buồn nhân tình thế thái, ông đến Kiên Lương, một vùng thuộc Hà Tiên - Rạch giá sống ở đó mấy năm. Một lần em trai tôi đi thăm,  về nói cha tôi ban ngày ra đảo lang thang như tìm kiếm ai đó,  tối mịt theo ghe đánh cá về đất liền. Mấy năm đó cha tôi tuy sống xa gia đình nhưng được ở vùng biển, khí hậu tốt và nhất là được ở gần và làm bạn với những người dân chài, cha ăn uống đạm bạc, trông rắn rỏi, đen đậm nhưng khoẻ khoắn hơn.

Khi mấy chị em tôi đã ổn định nơi xứ người và có công việc làm ăn, buôn bán lâu dài, chúng tôi biên thư về nhà cho mẹ và các em bảo cố thuyết phục cha tôi trở về thành phố. Chúng tôi đã có khả năng để đem lại cho gia đình một cuộc sống vật chất  đầy đủ, chỉ mong cha mẹ tôi được an hưởng tuổi già.

Năm Một chín chín hai cha tôi rời Kiên Lương về Sàigòn, và với những món tiền chúng tôi gửi về trợ giúp, ông đi khắp cùng thành phố, ra ngoại ô tìm mua những thửa đất mà theo ý cha tôi, sau này sẽ „biến“ thành vàng ! (mà quả là như vậy, hiện nay đất ở VN toàn tính ra vàng cả !).  Ông làm cho mình một căn nhà lợp lá để ở nhưng rất tiện nghi như nhà tường với sân vườn quanh năm mát mẻ, chị em, con cháu cuối tuần có dịp „về quê“ thăm ông ngoại rất thú vị, không khí yên vui lại từ từ trở về với gia đình cha mẹ chúng tôi.

Sau một năm rưỡi sống gần mẹ tôi, vợ chồng con trai út và hai thằng cháu nội kháu khỉnh, cha tôi lại bị tai biến lần nữa. Lần này nặng hơn : Tay chân đơ cứng, lưỡi thụt vào trong, nói năng rất khó khăn, các bộ phận điều tiết không còn tự điều khiển được nữa. Ăn uống khó nhọc nhất là những thức ăn cứng, dai,  vì thực quản  bị teo dần nên em trai tôi phải xay nhuyễn các  thứ đã nấu, thành một hỗn hợp lỏng rồi đút cho ông ăn mà vẫn còn khó nuốt. Việc vệ sinh, tiểu tiện có nhìn mới biết khó khăn muôn phần và chỉ có con trai mới làm tốt được. Em trai tôi đã làm hết sức của nó để cha tôi lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất,  nhất là những lúc có anh chị ở xa về. Nhìn cậu em râu tóc còn dài hơn cha già, tôi biết công việc cũng khiến cậu ta „phê“ lắm, điều lạ ở cậu em qua  giọng nói của cậu có duy nhất một tông…“ré“, cậu nói chuyện với cha bằng  giọng lớn quá, thỉnh thoảng còn nói những từ rặt kiểu „bộ đội“ nghe chướng tai hết sức, hỏi thì cậu biện hộ biết cha ghét, nhưng muốn cho não của cha hoạt động thì phải nói như vậy - cha sẽ phản ứng -  mới tốt. Nghe lạ kỳ và  phản khoa học quá nhưng tôi cũng không muốn hỏi thêm chỉ sợ tự ái của cậu ta cũng...dồn cục, kể công khó nhọc trông nom cha rồi giận lẫy buông xuôi,  không kham nữa, cha không có ai chăm sóc thì chúng tôi ở xa sẽ không an tâm mà đi cày được. Ðôi lúc tôi lo, lỡ cha tôi nghĩ ông bị con trai la mắng rồi tức giận hay buồn bực, bệnh dễ tái phát hơn, những người nuôi bệnh trong nhà thương cũng lấy làm lạ, không hiểu tại sao con trai nói chuyện với cha sao mà lớn giọng đến vậy. Họ có biết đâu mẹ tôi bị nặng tai hơn chục năm nay (có gen), nên chị em chúng tôi đều phải nói lớn bà mới nghe được dù đã có máy trợ thính.  Dần thành thói quen, với cha cũng nói lớn, mà ông thì tự ái cũng cao nghều nghệu, liệu có làm cha tôi phiền lòng ?. Thật là khó, mỗi lần về nhà là mỗi lần phải phân tích tỉ mỉ tâm lý các cụ cho cậu em được rõ, kẻo chỉ biết săn sóc (sinh lý),  mà không hiểu tâm lý thì cũng không xong.

Vừa trở sang Ðức đi làm được hai tuần thì em tôi gọi qua báo chắc cha tôi không qua khỏi lần này. Thật là khổ tâm hết sức ! Thời buổi khó khăn, hãng xưởng cho thôi việc hàng loạt, làm sao tôi dám xin nghỉ để về nữa đây ?. Tôi vào chỗ làm hồn vía để đâu, lòng dạ buồn rười rượi. Mấy đứa em bên Úc sắp kéo nhau về, tôi nói „cứng“ với tụi nó :“ - Nếu cha không qua khỏi, mấy đứa cứ lo hậu sự cho cha đi, tao sẽ về sau, đành vậy thôi“.  Chẳng ngờ, sếp của tôi biết chuyện, trợn tròn mắt hối thúc tôi phải về ngay để kịp nhìn thấy cha tôi trước lúc lâm chung (dù tôi mới nhìn thấy ông gần cả tháng trời). Tôi nghệch mặt ra nhìn sếp, lòng muốn đi mà ngán bị mất việc nên còn lưỡng lự thì ông ta đã sua tay cam đoan sẽ cho tôi được hưởng loại phép đặc biệt của hãng.

Khoảng ba giờ chiều ngày hôm sau tôi đã về đến VN. Tính gọi taxi một mình về nhà cất hành lý rồi vào ngay bệnh viện thăm cha thì đã nhìn thấy ba đứa em vẫy tay gọi tên tôi rối rít ở cửa sân bay. Tôi nhận ra cậu em đã mười chín năm chưa gặp lại. Em trai tôi già đi, đầu hói và râu tóc bạc gần hết. Chị em ôm nhau mừng tủi một lúc liền lên xe đi thẳng vào bệnh viện nơi cha tôi đang nằm hấp hối như thể đang chờ đợi chúng tôi về đông đủ mới ra đi.

Nhìn cha nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, xung quanh là các máy móc theo dõi, cấp cứu. Mặt của cha tôi được gài đủ thứ ống vào mũi, miệng, dây nhợ cột gài chằng chịt,  tay chân sưng phù, mọng nước, nhìn sốn sang con mắt và thương cho thân cha tôi quá !. Tôi ghé sát tai gọi cha tôi khe khẽ hồi lâu vẫn thấy im lặng, ít phút sau ông mở mắt day qua phía tôi,  miệng lắp bắp muốn nói nhưng cái ống thông đờm to tướng đã chận trong miệng cha tôi thế kia thì ông còn nói năng gì được nữa. Nhưng nhìn đôi mắt cha, tuy chẳng còn mấy thần khí,  tôi biết ông đã nhận ra tôi rồi.

Y tá đuổi chúng tôi ra khỏi phòng với lý do không được làm bệnh nhân xúc động.
Chúng tôi lại đứng trước cửa phòng săn sóc đặc biệt  (SSÐB - nào tôi có thấy gì đặc biệt đâu), nhìn cha tôi từ xa thấy ông vẫn mở mắt nhìn dáo dác xung quanh như sợ hãi bởi những tiếng bíp-bíp, te-te của máy móc trong phòng. Bác sĩ, y tá đeo khẩu trang đi ra đi vào,  nhìn lạnh lùng đã đành, cả khi đã tháo chúng ra, mặt ông bà nào cũng lãnh đạm đến phát chán và phát ghét!.  Tôi ra ngoài hành lang ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới nền nhà – nơi các em tôi dành chỗ để trực trông cha tôi ngày đêm – nói với mọi người cảm nhận đầu tiên về những gương mặt lạnh lùng kia thì nghe em trai tôi - người trực tiếp chăm sóc cha tôi – cho biết cậu ta đã phải „lót tay“ cho họ để cha tôi được săn sóc đặc biệt (?) hơn, nhưng chứng lãnh cảm ở họ là „bệnh kinh niên „ rồi !. Nghe qua mặt tôi nóng bừng bừng muốn chửi cho hả giận, nhưng dằn lòng, tự nhủ phải kềm chế để mọi việc cho cha tôi, vì cha tôi được êm đẹp.

Các em tôi ba người về được gần một tuần mà bệnh tình của cha tôi vẫn không thuyên giảm, hay xấu đi theo như lời của một bác sĩ trực tiếp điều trị trong khoa đã nói. Em tôi có đứa sốt ruột vì ngày nghỉ dần dần hết, chỉ lo khi về nơi xa, rồi bên nhà cha tôi mới mất thì thật là lỗi đạo và ân hận. Bỗng dưng phát sinh ra một áp lực vô hình, nghịch lý  trong chuyện sinh-tử của cha tôi với đám con từ phương xa về. Mẹ tôi vào thăm cha, nhìn ông thoi thóp, lúc tỉnh lúc lịm đi trong giấc ngủ thì bảo chúng tôi nên đưa cha tôi về, nếu có chết thì được chết ở nhà theo quan niệm cổ xưa của bà. Cậu tôi vào thăm cũng nêu ý kiến không nên kéo dài  sự chịu đựng đau đớn thể xác của cha tôi thêm nữa. Em tôi có đứa cũng đồng ý với mẹ và cậu, bảo tôi làm giấy đem cha về, kẻo không kịp...  nhưng trong lòng tôi thấy có cái gì đó không ổn, như là ép cha tôi phải chấm dứt sự sống của ông vậy. Rõ ràng cha tôi vẫn còn đang sống tuy hơi thở của ông phải được trợ giúp bằng phương pháp nội khí quản, nếu đưa cha về, đường ống trợ giúp này sẽ phải lấy ra và khả năng chịu đựng của cha tôi sẽ không quá nửa tiếng - thời gian không đủ để về đến nơi – cha tôi sẽ tắt thở dọc đường, đồng nghiã gia đình đã bức tử ông. Không, suy nghĩ nhiều lần, tôi nhất quyết để cha tôi nằm lại bệnh viện và“ còn nước còn tát“,  đến khi nào các phương tiện y học đều bất lực với bệnh tình của cha tôi thì việc đưa cha về nhà cũng làm lòng tôi yên ổn. Ý kiến của tôi đã thuyết phục được cả nhà, tuy tư tưởng của vài đứa em ở xa vẫn còn lấn cấn.Tôi phải trấn an thêm :“-  Lần này chúng ta đã về đầy đủ, nếu ai không thể ở lại thêm, hết phép cứ về,  sau này cha chết không có mặt vài đứa trong đám con, âu cũng là cái số, các em không phải lấy việc đó mà áy náy làm gì, hiếu đễ thì phải làm cả đời, đâu chỉ có lúc này mà thôi“.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho cha tôi đề nghị mổ thông khí quản cho ông để dễ làm vệ sinh và nếu chúng tôi có muốn đưa cha về nhà cũng dễ dàng chăm sóc hơn là cứ phải đút một ống từ mũi xuống phổi. Tôi đã ký giấy cam đoan cho mổ, nhưng sau đó suy đi nghĩ lại chúng tôi lại từ chối lời đề nghị đó, chỉ vì nghĩ không biết cha tôi còn đủ sức để chịu đựng thêm sự đau đớn của mổ xẻ nữa không. Trước mắt chúng tôi, cha nằm đó với thân xác phù nề thật tội đã khiến chúng tôi đau lòng lắm rồi.

Tôi về được ba ngày vào ra bệnh viện, đứng lấp ló ở cửa phòng điều trị hoặc ngồi lê lết ngoài lối đi như những người dân trong nước đã phải chịu đựng cảnh nuôi người thân đau ốm tại các bệnh viện trên cả nước mấy chục năm nay một cách nhẫn nhục, cam chịu  như  thể đi cầu cạnh, xin xỏ điều gì vậy - trực chờ từng lời nói khan hiếm từ những cái miệng kín mít, môi sát vào răng và đôi mắt như chẳng muốn nhìn ai hết - để biết được bệnh tình của cha tôi ra sao, xấu tốt thế nào, phải „dè dặt“  hỏi thì „từ mẫu“ mới hé môi, thật là chán nản và giận hết sức cho cái cung cách phục vụ của họ. Sống ở nước ngoài đã lâu, đã quen nói cũng như làm với mọi người khác một cách tự nhiên, bình đẳng, nay „đụng“ phải những con người ở một môi trường nhỏ là bệnh viện này, bỗng dưng thấy khó khăn quá sức. Cô em gái là người nóng tánh,  dù mấy ngày qua,  vì thương cha đã cố nhẫn nhục, kềm chế nhưng cũng không thể chịu đựng được hơn, đã chửi tên bác sĩ trực cuối tuần khi hắn ta  dùng những từ khiếm nhã,  rặt giọng 75 ra vẻ „ kẻ cả“, đỗ lỗi cho em tôi về giá cả loại thuốc mà hắn ta đã bảo em trai tôi đi mua để truyền cho cha. Hắn không ngờ em tôi dám „nói động“ đến hắn. Tôi lo lắng cho cha nên trách em gái chẳng biết nhịn nhục cho qua tuy trong lòng cũng thấy hả giận mỗi khi gặp chúng tôi ngoài hành lang, hắn đều cúi đầu lãng tránh.

Bốn chị em tôi từ xa về vào bệnh viện trông nom cha cố ăn mặc như người trong nước, có việc gì liên quan đến tiền thì chẳng dám tiếp xúc, chỉ e bị „chặt đẹp“, vậy mà không hiểu sao vẫn bị những người cũng đi thăm nuôi khác nhận diện, họ  bảo : „Các chị trông khác người trong nước ở làn da trắng hồng nên dễ phân biệt lắm !. Tên bác sĩ trực coi bệnh án của cha tôi, lắc đầu chê đồng nghiệp - người trực tiếp điều trị -  „sao hổm rày chỉ truyền toàn nước biển thường thôi !“ - rồi viết toa cho em trai tôi tìm mua một loại thuốc giá gần cả triệu đồng một lọ nhỏ tí, không có bán trong BV,  bảo y tá truyền cùng với nước biển thường, để giảm phù nề ở chân và tay cho cha tôi, nhưng đến chai thứ hai cũng chưa thấy kết quả như hắn nói.  

Ba giờ sáng ngày mười lăm tháng ba hai ngàn lẻ chín, em trai tôi trực ở BV gọi về cho vợ, báo đang ngủ bị kẻ gian rạch túi áo, mất bốn triệu rưỡi tiền lo cho cha. Càng sốc hơn,  thằng em họ trông rách nát, lái xe ôm lại mang trong người những bảy triệu đồng, cũng mất toi!. Thật là chủ quan và dại dột hết sức. Mới bốn giờ sáng tôi và cô em từ Úc đã dậy,  kêu xe vào bệnh viện, thay „ca“ cho hai cậu em vừa bị mất tiền về nhà nghỉ dưỡng sức, đồng thời em trai tôi còn tìm mua thêm một chai thuốc như hôm trước để truyền tiếp cho cha tôi theo lời tên bác sĩ trực. Bảy giờ sáng cha tôi mở mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà không chớp, kéo dài mấy tiếng đồng hồ mới khép lại như cũ. Tôi linh cảm sẽ còn điều gì nữa sẽ xảy ra trong ngày hôm đó vì xưa nay“ Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí“ không khi nào sai hết. Theo thông lệ, mười một giờ trưa, thân nhân được vào săn sóc người bệnh nửa tiếng, nhưng ngày chủ nhật  đó, đã mười một giờ bốn mươi lăm mà cánh cửa phòng SSÐB vẫn chưa thấy hé mở, người nào cũng nôn nóng chen nhau đứng trước cửa phòng để được vào nhìn và chăm sóc người thân với thời gian ít ỏi của BV.

Cuối cùng thì cánh cửa kéo của phòng SSÐB cũng được mở ra. Thân nhân ùa vào như đi lãnh quà bố thí,  đầy nghẹt căn phòng độ chừng hai mươi mét vuông. Cứ một người đau nằm trên giường thì xung quanh phải có  từ bốn đến sáu người vừa nuôi vừa thăm !. Gia đình tôi cũng thế, tuy trước khi được vào tôi đã nhăn mặt bảo với mọi người rằng thăm nom kiểu này rất có hại cho người bệnh. Chẳng có ai nghe tiếng của tôi cả vì ồn ào, nhốn nháo.  Lúc tôi cùng cậu em bên Úc  đang đứng hai bên giường cha tôi thì đã thấy cô tôi chống gậy bước vào, thằng em họ từ Quảng Ninh với một người bạn thân bước vào đứng bên, rồi một hai bà dì, ông cậu tôi nữa… Tôi hoảng hốt kêu họ mau đi ra bớt kẻo bị y tá mắng, còn đối với cha tôi thì thật là bất lợi. Cô em gái vừa vào đã vội lấy khăn ướt lau lấy lau để mặt mũi cha tôi, đứa khác giành được tự tay bôi dầu, bôi crem lên da đầu, da mặt cho bớt khô…Ai cũng muốn làm một việc gì đó cho cha tôi như để thể hiện tình cảm đối với cha là cần thiết lúc đó. Tôi chẳng biết làm gì, miệng yếu ớt bảo mọi người nên yên lặng, đừng „vần“ cha nhiều như vậy và tốt nhất nên ra bớt bên ngoài, đổi phiên vào với cha thì tốt cho ông hơn. Nhưng chẳng kịp nữa rồi, tiếng kêu te-te, bíp-bíp từ chiếc máy để ở đầu giường đang kêu lên liên tục cùng với những ánh đèn màu đỏ - màu báo động-  tình trạng hiểm nghèo của cha tôi.  Thông số của chiếc máy trợ giúp Nội khí quản tụt xuống từ con số ổn định trước đó nửa tiếng là 100, giờ cứ tụt dần, vừa lúc y tá ra phiền trách và đổ lỗi tại chúng tôi đã làm cha tôi bị sốc mới khiến sức khoẻ cha tôi xấu đi như vậy. Tôi đứng lặng, nhìn chằm chặp chiếc máy, tai lùng bùng tiếng ồn ào trong phòng,  đầu hoang mang lẽ nào tình trạng cha tôi lại xấu đi sau khi đã được truyền thêm thuốc đặc trị, à, mà sao sáng nay họ truyền thuốc và nước biển nhanh hơn hôm qua nhiều thế,  lúc mới vào phòng lại quên không xem cái máy nội khí quản có bị tuột dây nhợ gì không, chứ tại sao bỗng dưng nó lại tụt thông số đúng lúc đến vậy ?... nhiều nghi ngờ, nhiều câu hỏi hiện lên trong óc tôi lúc đó nhưng tôi không còn muốn hỏi han bác sĩ hay y tá thêm điều gì nữa.

Ðám y tá đuổi mọi người ra khỏi phòng vì đã hết giờ thăm và cũng vì bệnh tình của cha tôi đang đi vào hồi kết cuộc. Ðứng nép người ngoài cánh cửa khép hờ của phòng SSÐB, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn vào nơi cha tôi đang nằm hấp hối, lòng dạ xốn xang khi thông số của chiếc máy cứ ít dần đi. Một bác sĩ đã đứng tuổi từ ngoài vào bảo với tôi nên ra ngoài chờ đợi, họ sẽ thông báo ngay nếu có gì khẩn cấp chứ không được đứng trước cửa phòng mất trật tự như vậy. Tôi nghĩ bụng : - „Trật tự có đâu mà đòi mất, thật nực cười !“, rồi bỏ ra ngồi ngoài hành lang nhìn đám bà con, em út đang ngồi tán gẫu trên chiếu trải ở một góc lối đi của BV. Tôi thấy lạ nhiều điều,  sao người mình „nhiều chuyện“  và ăn khoẻ đến thế không biết !. Chuyện gì quen hay lạ, xa hay gần, của ai cũng có thể „tám“ hàng giờ, hàng buổi ; còn ăn thì lúc nào cũng „tấp“ được hết chứ chẳng có giờ giấc chi hết!. Tôi không quen nói nhiều nên ngồi yên một chỗ nhìn và nghe „thế sự“. Chưa được năm phút, tôi bỗng nghe lạnh dọc xương sống và hết một bên tay phải !. Cái lạnh khác thường khiến tôi liên tưởng ngay đến cha tôi đang nằm trong phòng kia mong gặp chị em  tôi. Vừa lúc ấy cô em gái chạy ra bảo y tá cho một người vào gặp cha tôi lần cuối (không hiểu sao nó không vào ngay bên cha  mà còn đến nói với tôi điều này). Tôi đứng ngay dậy và chạy bổ ra hướng vào phòng SSÐB. Ðứng bên cha, tôi cầm lấy bàn tay sưng múp vì nước đọng dưới da của ông, sắc thần cha tôi bấn loạn, mắt đảo nhìn như sợ hãi, thỉnh thoảng lại nhăn mặt như bị cơn đau nào hành hạ. Thông số của chiếc máy trợ thở đã xuống đến mức tối thiểu : 45, ánh đèn đỏ chớp nháy liên tục. Tôi biết cha tôi không còn một hy vọng nào nữa nên cúi đầu, ghé miệng sát tai ông nói thật lớn, cố át đi tiếng“ bíp-te“  đang giục dã : „- Cha hãy yên tâm ra đi và nghe theo lời kinh con đọc nhé“. Cứ sau những tiếng „bíp-te“ của chiếc máy,  tôi lại đọc lớn sáu chữ „Nam-mô-a-di-đà-Phật“  với ý quyết không để sáu tiếng đó trùng lấp với thứ tiếng „bíp-te“ chói tai kia. Ðây là lần đầu tiên trong đời tôi kề cận một người sắp lìa bỏ cuộc sống này và tôi đã nhận ra sự nhiệm màu khi thấy gương mặt cha tôi sau khi nghe sáu chữ trên đã  không còn đau đớn,  ánh mắt không còn hoảng loạn hay  sợ hãi nữa,  mà là tia nhìn bình thản, an mãn nhìn tôi. Ðó là những hình ảnh trung thực sau cùng mắt tôi đã chứng kiến, chẳng phải tôi mê tín dị đoan, mà  tôi nghĩ đó là một ân phước của cha dành cho tôi, khi còn sống đã thương yêu, tin cậy tôi nhất nhà và trước khi chết tôi là đứa con được nắm tay, đọc giùm cho cha  sáu chữ màu nhiệm, để cha nương theo hướng của các vị hộ pháp,  đi về cõi vĩnh hằng.

Khi tôi bị đuổi ra khỏi phòng SSÐB,  khoảng mười phút sau thì cha tôi tắt thở. Lúc đó là Mười ba giờ bốn mươi phút của ngày chúa nhật Mười lăm tháng ba năm hai ngàn lẻ chín, tức là ngày Mười chín tháng hai năm Kỷ Sửu. Tôi là người chạy vào bên cha tôi trước nhất, cố nén tiếng khóc, tôi lại tiếp tục đọc „Nam-mô-a-di-đà-phật“ không ngưng nghỉ trong lúc các em tôi lo mọi việc cho  cha như lau rửa, thay đồ, thủ tục giấy tờ để đem cha về nhà mai táng… Người ta vẫn bảo „Ma chê cưới trách“ để chỉ những điều tiếng, trở ngại khi nhà có người mới mất, nhưng mọi việc liên quan đến đám tang cha tôi đều được êm xuôi, viên mãn. Một điều tôi thấy lạ trong cuộc đời của cha tôi khi còn sống, không bao giờ ông biết đến kinh kệ, còn  sư sãi là những người ông không có lòng tin tưởng vào họ, vậy mà đám tang cha tôi được nhiều nhà tu hành đến trì chú  tụng niệm ngày đêm, chị em chúng tôi được dịp nghe kinh và biết được nhiều tục lệ chưa từng được biết bao giờ, âu cũng là lợi lạc lắm thay. Tuy nhiên mấy chị em tôi ở xa  rất bất mãn và buồn lòng thái độ của vị ni sư chùa PM-GV. Mong vị này hãy hoan hỉ chỉ bảo tường tận cho những người chưa biết tập tục, cách thức của nhà chùa nói riêng và của Phật giáo nói chung . Mọi sự cúng dường thiết nghĩ đều tùy tâm, tùy khả năng của mỗi người khi đến cúng Phật, xin đừng biến đổi hai chữ „cúng dường“ thành sự áp đặt hay đòi hỏi, nơi chốn thiền môn.

„Cha ơi, thân xác cha đã trở thành tro bụi. Chúng con cầu mong cha yên nghỉ và sớm siêu thoát khỏi cõi hồng trần khổ lụy này cha nhé !.“

Berlin, 16.04.2009

Pensée Đàlạt