Trắng Đời
Trần Thị Hà Thân
Lam xấp xếp lô áo quần cuối cùng mẹ vừa giặt xong vào xách tay. Ngày mai Lam sẽ trở lại nội trú tiếp tục khoá học sau bốn tuần nghỉ lễ. Lam thương mẹ vô cùng và càng thương mẹ, Lam lại càng giận ba. Thời gian trôi qua vèo vèo, mới đó mà đã gần hai năm Lam lên đại học, dọn vào nội trú, sống xa gia đình nhưng hầu như cứ cuối tuần là Lam muốn về thăm mẹ, thăm em; trừ những khi Lam cần ở lại để học thi. Phần ba Lam thì chỉ giỏi lắm được một lần ba đưa Lam lên trước ngày tựu trường đầu tiên, những lần còn lại, thăm viếng, đưa đón một mình mẹ lo cho Lam. Vậy mà mẹ chẳng bao giờ mở miệng than thở một lời.
Hơn hai giờ đồng hồ, chiều thứ sáu tan sở, lái xe lên đón Lam đến tối mờ tối mịt mẹ mới tới nơi. Lam thương và tội nghiệp mẹ nên nhiều lần Lam đã đi xe lửa cho mẹ bớt cực nhọc chút ít. Nhưng từ lúc Lam bị chọc ghẹo trên chuyến xe về nhà, mẹ cấm và không cho Lam di chuyển bằng cách này nữa.
Ôm hun mẹ một cái chóc, Lam hỏi:
- Mẹ à, mai mấy giờ mình đi hả Mẹ?
Mẹ nhẹ giọng:
- Mấy giờ cũng được, tùy con...
- Sao mẹ buồn qúa hả mẹ?
Mẹ chép miệng:
- Ừ, mẹ chắc hết sức chịu đựng rồi con à …
- Mẹ quyết định thế nào, con cũng sẽ 100% về phe với mẹ hết đó.
Mẹ hình như càng ngày càng ốm đi. Dáng mảnh mai mang nỗi buồn u uẩn như đoá cúc vàng cuối thu. Dạo gần đây, mẹ im lặng hơn. Cứ lo xong cơm nước là mẹ nằm queo ở một góc giường trong phòng với tâm tư nhàu nát tan thương. Mẹ nằm bất động, quyển sách cầm trên tay mẹ không buồn giở một trang giấy. Mẹ không nói nhiều nhưng Lam đọc được rất nhiều điều thầm kín trong mắt của mẹ. Bây giờ mười tám tuổi, Lam đã thấy được những việc chướng mà đôi khi chính Lam cũng không hiểu nổi làm thế nào mẹ có thể chịu đựng và gánh vác lâu như vậy! Lam vẫn thường nói với mẹ "sợ chắc con sẽ không bao giờ lấy chồng đâu mẹ à"; mẹ cười hiền "con khỉ, đừng nói tầm bậy ...". Mẹ buồn. Mẹ thở dài. Cứ thế thì cũng đến một lúc nào đó hơi thở tàn! Trước đây, mẹ đã từng bảo sẽ cố gắng đi hết đoạn đường "thê lương", mẹ sẽ nhẫn nại, chịu đựng và sẽ yên phận ít nhất cũng phải cho đến ngày bé Thuận vào đại học.
Từ lúc bé Thuận ra đời, là lúc Lam bắt đầu biết nhìn và thấu hiểu mọi sự. Ba vùi đầu vào danh vọng, tiền tài, bắt đầu những chuyến đi chơi thất thường. Một vài lần đầu giờ giấc đi về còn được ba cho biết, còn có cách liên lạc nơi này nơi nọ khi ba về đến bên kia, dần dần, những chuyến đi như thay áo, như trở bàn tay, chẳng còn thông trước báo sau; có nghĩa là đi không biết ngày và về mẹ cũng không được thông báo giờ giấc. Giản dị. Khi vắng mặt, phone di động tắt thì tự động coi như là ba đã đi ra nước ngoài. Ba đi mất dạng cho đến ngày về, khi trở về nhà thì coi như không chuyện gì đã xảy ra ...cũng đã năm lần bảy lượt Lam nghe mẹ bảo ba hứa hẹn không bao giờ đi nữa. Nhưng cứ thế mà hơn mười năm rồi mẹ sống mơ hồ và tẻ lạnh. Và chuyện đi chơi của ba như cuộn phim tiếp diễn từ một cuốn tiểu thuyết dài không ngừng ...
Mẹ úp mặt vào hai lòng bàn tay, người mềm rũ, ngồi sụp xuống:
- Chắc mẹ ... sẽ ly thân với ba ...
Lam vuốt lau nhẹ những giọt nước mắt lăn dài trên má của mẹ. Mẹ khóc như mưa. Khóc như một đứa bé chẳng cần biết những gì đang xảy ra chung quanh mình. Hiện giờ có lẽ mẹ đang suy nghĩ rất nhiều, nhiều như những gịot nước mắt đang rơi. Chắc mẹ đang mường tượng những điều mơ ước đã cố gây dựng trong bao năm qua gần tan biến. Mai đây sẽ không còn trời xanh, sẽ không có mây hồng; rồi đến khi chân run gối mõi, khi răng long tóc bạc, đời sẽ ra sao ...
Ngoài kia trời đang đổ cơn giông bão đầu năm.
Trần Thị Hà Thân
January 05.2008
Trần Thị Hà Thân