Tháng Ngày Trên Xứ Cờ Hoa

Kim Oanh Phượng

 

1- Hôm nay ngồi soạn lại xấp hình cũ, trong đó có những tấm hình chụp ngày ba mẹ con tôi rời quê hương  sang Mỹ đoàn tụ cùng chồng tôi, cùng những hình chụp ngày đầu tiên bước chân đến  đất nước tạm dung này. Những kỷ niệm cũ theo năm tháng đã lùi về quá khứ, nay lần lượt hiện ra truớc mắt tôi…..

…….Sau gần mười một năm đợi chờ bảo lãnh với nhiều lo âu, trắc trở về giấy tờ, cuối cùng ba mẹ con tôi cũng đến ngày được ra đi đoàn tụ với chồng tôi. Ngày đó làm sao quên được, một ngày nắng ấm của miền Nam, ngày mà ba mẹ con tôi cũng như của cả nhà bên nội, bên ngoại mong mỏi. Tâm tình của tôi lúc chuẩn bị ra phi trường không còn háo hức, vui mừng như những ngày mới nhận được giờ chuyến bay nữa mà thay vào đó là nỗi buồn man mác, luyến tiếc. Nhìn quanh nhà thấy đâu cũng là kỷ niệm và biết rằng ra đi lần này rồi khó có dịp về thăm lại người thân nữa. Lòng tôi rối như tơ vò, nửa mừng, nửa buồn.

2- Tới giờ, mẹ con tôi cùng người thân đi xe hơi của người cháu đến đón, chở ra phi trường, có một số bạn bè, thân nhân đã chờ sẵn ở ngoài đó. Hôm đó thật náo nhiệt và vui vì  có rất đông bạn học của con gái và con trai tôi cùng họ hàng, chòm xóm của gia đình có mặt tiễn chân nữa, cảm động vô cùng. Tất cả mọi người đều chúc phúc cho ngày gia đình tôi đoàn tụ, rất tiếc Mẹ tôi không còn để nhìn thấy ngày vui đoàn viên của vợ chồng tôi. Bịn rịn mãi rồi cũng tới lúc chia tay, mẹ con tôi làm xong thủ tục hải quan và vào phòng cách ly, nhìn qua cửa kính thấy mẹ chồng, bác chồng, anh em, họ hàng còn nán lại chờ chuyến bay cất cánh mới ra về. Lúc này tôi mới thấm thiá nỗi buồn xa người thân, xa quê hương xứ sở, mặc dầu đây là niềm ao ước, khát khao của tôi được ra xứ người sinh sống cùng chồng. Sự mâu thuẫn ở trong lòng cứ tăng mãi lên, cho đến mấy năm sau khi ở Mỹ, tôi mới nguôi ngoai cơn buồn vì nhớ người thân, nhớ quê hương nghèo nàn của tôi.

3-    Đến thành phố gió ở miền Bắc nước Mỹ vào đêm gió lạnh của mùa Thu. Gặp chồng, nghẹn ngào không thốt nên lời, hai con gặp bố, một phút ngỡ ngàng nhìn nhau, sau đó chúng quăng cả tay xách chạy đến ôm chầm lấy bố, nước mắt chảy dàn duạ, những giọt lệ sung sướng, hạnh phúc. Chúng xa bố từ lúc mấy tuổi đầu, gần mười một năm sau mới gặp lại, vì tình cha con nên đã nhận ra bố ngay. Sau những phút giây xúc động, nhìn quanh mới biết có gia đình cô em gái chồng tôi cùng đi đón. Sau khi hàn huyên một hồi, tất cả ra xe về nhà Trên đường về nhà, mọi người đều giữ im lặng, tôi và hai con còn mải ngắm thành phố về đêm: con đường xa lộ trải nhựa sạch sẽ, bóng láng dưới ánh  đèn. Nhìn sang bên kia đường đèn xe hơi sáng choang , nhìn từ xa như là “rồng rắn “, nhìn xa tít mù chưa thấy bóng chiếc xe cuối cùng. Con tôi thốt lên những lời trầm trồ khen ngợi sự phồn thịnh của đất nước này. Mẹ con tôi đi từ ngạc nhiên này sang đến ngạc nhiên khác, mặc dù ở tỉnh từ nhỏ đã nhìn quen cảnh phồn vinh, nhưng nay tận mắt thấy cảnh giàu có, tân tiến của đất nước này, không khỏi bùi ngùi thương cho cảnh nghèo của quê hương mình.

Bước chân vào nhà, con trai tôi đã nói : nhà mình đẹp quá, toàn cửa kính và màn che bằng voan hai lớp, nhà lót thảm nữa, vậy mà bố viết thư về nói bố rất nghèo… chồng tôi chỉ mỉm cười và nói: sau này con sẽ biết rõ hơn về cuộc sống bên này.

4-  Kỷ niệm nhớ mãi lúc mới tới đất Mỹ là ngày hôm sau, ra vườn thấy hoa dại màu vàng trên cỏ, con gái tôi  cắt mang vào cắm trong ly nước, khen bên Mỹ hoa mọc cả ngoài đường, đẹp quá. Sau này mới biết là cỏ dại!

Trước khi chúng tôi đến, có trận tuyết rơi, nay ngừng và dưới nắng vàng rực rỡ, tuyết đọng trên mái nhà, trên cành cây trông giống như những giọt thủy tinh, óng ánh, đẹp vô cùng. Tưởng trời nắng sẽ ấm nên hai con tôi chạy uà ra sân nô đùa, nhưng không ngờ càng nắng thì lại càng lạnh nhiều. Nhìn những cây trơ cành trụi lá, thân cây đen thẫm như bị đốt cháy, chúng tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi phải chăng cháy rừng? vì mới sang, còn mang tâm trạng  của người mới nhập cư nên đã không dám hỏi thăm chồng tôi hay người quen những điều xa lạ.

Đến Mỹ được một tuần, chồng tôi chở đi khám sức khoẻ tổng quát, lúc này tôi đã hơi quen với giờ giấc nơi đây, ngủ được chút đỉnh. Trên đường đi thấy những ruộng trồng bắp bạt ngàn, nhìn không thấy cuối bờ, thấy họ đang dùng máy để thu hoạch. Sau mấy tiếng đồng hồ, trở về, thấy ruộng bắp đã trống trơn, thân cây chất thành từng đụn, bắp đã được chở đi rồi. Trên cánh đồng bắp không thấy bóng người nữa. Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục sự tân tiến về cơ giới hoá của đất nước giàu có này. Trước đây đọc sách báo nói về tài trí của con người là: xẻ núi, lấp sông làm đường giao thông, nay tận mắt nhìn thấy cảnh này ở miền đất hứa, vô cùng cảm phục.

Ba mẹ con tôi sang tới Mỹ vào dịp gần cuối năm nên ngoài đường ở những nơi công cộng, shopping, công sở đều treo đèn kết hoa, tồi đến ánh đèn màu lấp lánh đủ mọi kiểu, mọi dạng. Thật sự làm tôi mở rộng tầm con mắt, tôi tính nhẩm với sự phí tổn đèn điện cho những đèn hoa ở ngoài đường cũng phí bao nhiêu tiền điện.Một nước văn minh, giàu có, người dân được hưởng nhiều tiện nghi, sung sướng quá, chả bù cho dân chúng đất nước tôi, thiếu thốn đủ mọi thứ!!!

Sau vài tuần lễ sinh sống nơi đây, mọi việc rồi cũng tạm thích nghi, đỡ bỡ ngỡ, hai con tôi cũng đã vào trường  trung học, mỗi ngày chúng về đều kể cho tôi nghe những điều khác biệt với trường học ở quê nhà. Chẳng hạn, mỗi môn học lại đổi lớp, những ngày đầu chưa quen lớp, quen thầy, chúng chạy đổi lớp luôn vào trễ hơn các bạn, đôi khi bị xô lấn té nhào nữa. Học sinh có thể phát biểu, tranh luận với thầy, cô mà không bị coi là hỗn láo. Trường học bên này dạy đủ mọi môn kiến thức và còn dạy thêm những môn phụ như tập đánh máy, cách dùng computer … học xong trung học, học sinh có vốn liếng căn bản để vào đời.
Còn phần tôi ở nhà nghỉ ngơi sau ba tháng, tôi yêu cầu chồng đưa đi xin việc làm. Chồng tôi đưa đến văn phòng Đông Dương, sau khi phỏng vấn, về nhà chờ kết quả, hai tuần sau đó tôi có việc làm. Bên này muốn đi làm thì phải biết lái xe, nếu không biết lái xe sẽ gặp trở ngại và lệ thuộc vào người khác. Tôi bây giờ không khác gì đứa trẻ đang tập bò, tập đi, tập ăn và tập nói!!!Tôi rất nhát, thấy xe cộ đông đúc là hoảng, mất bình tĩnh rồi. Đành liều vậy, tôi thi học bằng lái trước, và mỗi cuối tuần chồng tôi dạy lái thực hành. Những tuần đầu, mỗi lần ngồi vào xe là chân tay tôi bủn rủn, cầm xâu chìa khoá muốn rớt, miệng lâm râm niệm Phật… Lúc lái ở ngoài đường, nhìn kính chiếu hậu thấy xe chạy sát sau lưng, tôi sợ quá, kêu ầm lên là xe sau sắp tông rồi! Chồng tôi nhiều phen gắt với tôi và nhắc nhìn xe phiá trước, đừng để phân tâm. Nhìn xe chạy ngược, chạy xuôi, nhanh vùn vụt, tôi bối rối vô cùng, có lần đang lái, nhìn thấy chiếc xe bên kia đường chạy ngược chiều, tôi có cảm tưởng xe sắp tông vào xe tôi, sợ quá, tôi bèn thắng lại ngay giữa đường, may phiá sau không có xe nào, nếu có xe chắc là rắc rối to, thật hú viá. Tôi nhớ có một lần, xe rẽ bên phải, ngay ngã tư, nhìn thấy phiá trước, ngược chiều có xe đi tới, tôi sợ tông họ nên cho xe leo lên lề đường ngay!!!! Sau mười giờ tập lái, tôi đi thi thử để rút kinh nghiệm. Vì thi thử nên tôi lái theo bài bản, chỉ chạy nhanh hơn năm miles là tối đa, nhìn kính chiếu hậu, ngoái cổ ra phiá sau lúc sang đường… trong lúc lái, tôi tự nhủ phải bình tĩnh, nhờ vậy trong suốt thời gian thi lái xe, ông thầy giám khảo người Mỹ hỏi han chuyện gì, tôi cũng trả lời “tỉnh bơ”và tinh thần  thoải mái không bị căng thẳng nên lái rất tốt và kết quả là thi đậu ngay.Trong khi chờ đợi chụp hình, làm bằng lái, tôi thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ: thế là tôi cũng qua được cái ải lấy bằng lái xe trên đất Mỹ này, đó cũng là “cái bằng đầu tiên”của tôi trên quê hương thứ hai này. Nhờ nó tôi đã có phương tiện đi cày kiếm cơm phụ với chồng lo cho con cái ăn học.

Lúc mới vào làm, tôi gặp rất nhiều trở ngại vì ngôn ngữ, bà xếp Mỹ nói tôi hiểu đại khái, tôi nói bà ta chẳng hiểu mặc dù tôi dùng cả hai tay để diễn tả. Sau đó tôi yêu cầu bà ta viết ra giấy và tôi cũng viết những điều muốn nói, lối diễn đạt này có công hiệu, tôi và bà ta đã hiểu nhau hơn. Nghề dạy nghề, sau ít lâu làm việc, tôi không cần viết nữa mà còn có thể nói với giọng bồi ngọng nghịu, hơn nữa làm thợ thì đâu cần phải nói nhiều.  Năm đầu tiên trên đất Mỹ, cả nhà đi xem pháo bông nhân ngày lễ Độc Lập, hôm sau vào làm, bà xếp  hỏi thăm ngày lễ có vui và đi chơi đâu không, tôi khoe là đi dự tiệc ở nhà bạn chồng tôi, chiều tối đi xem pháo bông, nhưng tôi quên mất chữ pháo bông nói như thế nào rồi, tôi bèn nói ẩu là xem ‘ Fire Flower”, bà ta cười và sửa lại cho tôi, kỷ niệm này khó quên được. Và còn rất nhiều kỷ niệm, những khó khăn trong bước đầu sinh sống trên xứ cờ hoa này mà tôi và hai con đã phải đương đầu, nhưng rồi với thời gian, dần dần mọi chuyện cũng ổn định.

Người bạn đầu tiên trên đất Mỹ này là Hồng Loan, chị và tôi có nhiều cái Cùng lắm. Cái thứ nhất là hai người cùng nghề nghiệp, khi còn ở VN, cái thứ hai là cùng chờ chồng bảo lãnh suốt hơn mười năm mới đưa các con qua đoàn tụ, cái thứ ba là sang cùng năm, mẹ con chị sang trước chin tháng, cái chót là ở cùng xóm. Sáng ngày đầu tiên trên quê hương thứ hai này, Hồng Loan sang thăm chúng tôi, thấy chị lái xe, tôi thầm phục sao chị giỏi thế, đường phố xe cộ tấp nập mà chị tự lái đi làm xa nữa!!! Ngoài  đường lạnh căm mà chị đi lại thong thả, không thấy co ro vì lạnh …Hồng Loan và tôi rất thân,  chúng tôi chia xẻ những vui, buồn, lo lắng trong những năm tháng ở gần nhau, nhất là băn khoăn cho con cái, mong sao chúng học hành được, có một nghề nghiệp để lo thân. Nay ba con của Hồng Loan đều thành đạt hết, mừng cho bạn tôi. Các con tôi cũng đã trưởng thành và có nghề nghiệp để lo cho thân, tôi rất vui mừng.

Người bạn thứ hai trên xứ Mỹ là Hà, em chồng tôi. Cô sang đây từ lâu nên rành rẽ mọi vấn đề. Cô đã đưa hai con tôi đến trường học để thi xếp lớp, chở ba mẹ con tôi đi shopping sắm những thứ cần dùng, đi chợ và chỉ cách chế biến thức ăn theo kiểu VN…Thường xuyên cô Hà ghé thăm chúng tôi và nhắc các con tôi những điều cần biết trên đất nước này: mua đồ đừng bỏ vào túi xách, lỡ quên không lấy ra trả tiền sẽ có rắc rối, luôn xếp hàng theo thứ tự trước, sau khi vào những nơi công cộng. Những đồ dùng mua rồi nhưng vẫn còn giữ biên nhận, chưa cắt mạc, không làm hư hỏng vẫn có thể trả lại…và còn giúp đỡ các con tôi nhiều điều nữa.

5--    Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này, tôi vô cùng cảm ơn quê hương thứ hai đã cho gia đình tôi cơ hội để đi làm, đi học. Đất nước này với bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể đi làm và đi học đươc, nếu không có tiền đóng học thì chính phủ cho vay mượn, miễn là quyết tâm học hành thì sẽ đạt được điều mong muốn. Riêng tôi, trước ngày sang Mỹ cứ nghĩ rằng với sức khoẻ yếu, tiếng Anh, tiếng u chả có bao nhiêu thì làm sao đi làm được? Nhưng không như tôi nghĩ, nếu siêng năng, chăm chỉ, không ngại vất vả, chấp nhận làm mọi việc thì lúc nào cũng có việc làm, “người chê việc chứ việc không chê người”.    Thật ra hạnh phúc trong tầm tay mình, bằng lòng với những gì mình đang có, sẽ cảm thấy vui, thanh thản. Sau mười sáu năm sinh sống trên đất nước này, tôi đã có tất cả những gì mong muốn, đặc biệt có tự do. Nay tới tuổi nghỉ hưu sớm, tôi tận hưởng những ngày tháng vui bên chồng, bên con cháu trong tuổi xế chiều này.

Tháng 2 năm 2007

Kim Oanh Phượng