GẶP SẦU NỮ ÚT BẠCH LAN

Võ Quê

 

     Tạp văn Võ Quê

Đêm thứ ba, 18.3.2008 với Nguyễn Văn Hoá, người bạn cùng quê làng Chuồn dự đêm thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” mừng thượng thọ 81 tuổi nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà do CLB thơ ca Nhà Văn Hoá Phú Nhuận tổ chức, trong nhiều tiết mục thơ nhạc được trình bày trước đông đảo công chúng mến mộ nhà thơ, tôi xúc động bồi hồi khi xem và nghe Út Bạch Lan ca bài vọng cổ của soạn giả Kiên Giang.

Út Bạch Lan ngày xưa của tôi giờ là nghệ sĩ ưu tú rồi. Tôi viết ngày xưa là bởi hồi 13,14 tuổi thất học mỗi ngày tôi thường ra chợ Quảng Trị phụ giúp mạ bán cơm, rửa chén đọi. Mỗi buổi trưa khi đã xong việc, tôi xin mạ đi nghe cải lương vọng cổ nơi gian hàng bán áo quần quảng cáo của vợ chồng ông Nam nhà ở bờ hồ Thượng Tứ trong Huế ra. Tuổi nhỏ nên nghe rồi thích đến thuộc lòng cả dĩa vọng cổ của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Hậu, Văn Hường, Thành Được…Riêng Út Bạch Lan thì tôi mê giọng ca vai diễn sơn nữ Phà Ca trong vở cải lương "Người vợ không bao giờ cưới" của soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà.

Tha thiết, ngậm ngùi, bồi hồi biết mấy khi nghe sơn nữ Phà Ca than thở, phân phô "Ngày mai đám cưới người ta. Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?" Rồi "Áo cưới giả choàng vai cô dâu giả"…Ôi chao! Tiếng hát thì mùi. Chuyện tình lại trớ trêu, ngang trái. Thời tuổi thơ cùng khổ của tôi là rứa đó. Những số phận người buồn, vui, thương, cảm giữa chợ đời, trong giọng ca Út Bạch Lan cứ in sâu vào tâm thức tôi vốn đa cảm lắm tình. Thuộc lòng những bài ca, bắt chước các làn điệu, tôi về nhà ru em gái tôi bằng vọng cổ, bằng chuyện tình buồn sơn nữ Phà Ca mà sầu nữ Út Bạch Lan đã hát bên cạnh lời ru những trang Kiều. Sau này tôi cũng ru hai con trai tôi bằng vọng cổ, cải lương, bằng ai oán "tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn" và ru con thêm bằng lời ca Huế "Nước non ngàn dặm ra đi. Cái tình chi…"

Chính các làn điệu lý, chèo, quan họ, chầu văn ngoài Bắc, dạ cổ hoài lang trong Nam, ví dặm Nghệ Tỉnh, bài chòi khu Năm, dân ca Bình trị Thiên, ca Huế...đã ban phát cho tôi nguồn rung cảm thật từ thuở thiếu thời. Trong gần ba mươi năm qua tôi soạn lời ca Huế, tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng, trên thuyền sông Hương, lưu diễn trong ngoài, nước ...có lẽ cũng do được thấm sâu, được mê hoặc từ cái nền nghệ thuật truyền thống nguồn cội ấy.

Khi thấy chị ra về trước, tôi chạy theo tìm gặp Sầu nữ Út Bạch Lan và nói: Em xin chào chị. Em rất mừng. Đây là lần đầu tiên em được gặp chị. Thời niên thiếu của em chị là sơn nữ Phà Ca. Tôi nói chỉ có vậy rồi nghe Sầu nữ dặn: Khi nào ghé nhà chị, 62 Trần Hưng Đạo, chị ở chung cư. Tới hỏi chị Út ai cũng biết.

Cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi mà tình. Riêng âm hưởng Út Bạch Lan thì ngân thầm trên tinh hồn tôi một đời da diết.Và chắc không phải chỉ riêng tôi đâu. Chị còn có nhiều khán giả ái mộ ...

Nhìn dáng chị một mình xuống cầu thang tôi nghĩ: Út Bạch Lan đúng là sầu nữ. Thích thật!

Sài Gòn, 18.3.2008

Võ Quê