Duyên lành
Nguyễn Thế Hoàng
Thời trước, thông thường ông bà ta thường trải qua sáu mươi năm một đời người. Nhưng bây giờ đời sống đã văn minh tiến bộ, con người có thể thọ đến bảy mươi, tám mươi, chín mươi, thỉnh thoảng vẫn nghe có người sống trên trăm tuổi không còn là chuyện lạ. Vợ chồng tôi năm này cũng đã tám mươi cũng đã quá tuổi thọ đời người, cái tuổi mà đối với người già ai cũng nghĩ đến vừa lo vừa mừng. Mặc dầu tuổi đã cao vợ chồng tôi vẫn còn khỏe, tóc còn dày chỉ lốm đốm hoa râm. Răng lợi còn đủ, ăn uống ngon miệng. Đầu óc còn minh mẫn, sáng suốt. Trí nhớ vẫn tốt. Đi đứng khoan thai chưa vấp phải chứng bệnh nan y nào trong người, sức khỏe tương đối ổn định.
Tôi lấy chồng năm 25 tuổi. Hai mươi năm sau, tôi sinh cho chồng tôi chín đứa con liên tục gồm 4 trai 5 gái vuông tròn rồi dứt sanh nở. Thân nhân dòng họ, bạn bè thường nói đùa gia đình tôi có đủ ‘’ngũ long công chúa’’ có đủ‘’tứ trụ triều đình’’ sẽ hoạnh tài, giàu sang phú qúy, gia phong nề nếp vững vàng không ai bằng. Các con tôi ngày càng lớn, ngoan hiền, khuôn phép, hiếu thảo, cô cậu nào cũng được học hành đến nơi đến chốn, công ăn việc làm ổn định. Đến khi các con lập gia đình, vợ chồng tôi có thêm chín người con dâu con rễ rất dễ thương và hiếu thảo. Đến bây giờ, sau 55 năm vợ chồng thành hôn, nhân số gia đình chúng tôi đã có đến năm mươi người gồm ông bà, cha mẹ, con cháu và chắt. Những lúc vui, chồng tôi thường nói đùa ‘’ Mình thấy không, khởi đầu chỉ cu ky hai đứa mình mà giờ này ‘’nặn’’ra đến 50 người, có phải chúng mình tài lắm không ? Nghe câu nói ân tình của chồng, tôi rất vui và cảm thấy thật hạnh phúc trong niềm tự hào. Tôi cũng nhõng nhẽo đùa lại cho vui là may mà em đã hết rồi đó, nếu không thì nhân số trong gia đình mình phải đến bảy tám mươi là ít, lúc đó thì... không còn nhớ hết tên tuổi của chúng. Anh có ớn không ? Chồng tôi nói như mơ, càng đông càng vui mà em, ngày nào đó đám tang của anh và của em sẽ đông và ấm cúng lắm.
Năm mươi lăm năm sống bên nhau, đời sống vợ chồng tôi tràn đầy hạnh phúc. Một hạnh phúc thực sự, vuông tròn viên mãn. Mỗi người đều tự nhận đầy đủ trách nhiệm liên đới cho nhau. Tuyệt đối chúng tôi chưa một lần giận hờn, chưa một lần xì xịt lớn tiếng cãi vã nhau. No, đói, buồn, vui luôn có nụ cười trong sự hòa hợp. Tôi nhận ra rằng truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam có chồng phải hết mực chăm lo gia đình con cái và luôn chung thủy với chồng. Tôi cố gắng hoàn thiện bản thân vừa trong sáng, vừa hấp dẫn về công dung ngôn hạnh. Cũng chỉ vì tôi rất sành về nghệ thuật làm đẹp bản thân, biết cư xử, thành thạo cung cách giao tiếp từ trong ra ngoài, biết nấu ăn ngon, biết cách chăm sóc chồng chu đáo. Tôi có thể tự hào mình đã giúp chồng rất nhiều để đạt sự thành công trong lãnh vực kinh doanh. Bạn bè, các đối tác làm ăn, những khuôn mặt đại gia, kẻ trên người dưới chưa hề có lời phàn nàn về tôi. Chồng tôi rất qúy tôi từ trong gia đình và bên ngoài xã hội. Chúng tôi áp dụng qui luật 4/6 trong gia đình, và 6/4 khi vợ chồng bước chân ra ngoài. Điều đặc biệt nhất là trong 55 năm làm vợ, tôi đã nhận đủ ở anh 55 lần quà sinh nhật của tôi mà anh dành cho tôi hằng năm thật ngọt ngào yêu thương.
Cha mẹ sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ con thành ngưòi hửu dụng, chính đó là niềm ước vọng của cha mẹ để đạt trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi. Các con của chúng tôi cũng đã hiểu được công ơn sinh thành dưỡng dục cao dày của cha me. Điều diễm phúc nhất của các con, chúng nó vẫn luôn tự hào trong ước mơ là cha mẹ vẫn còn sống thọ bên cạnh với con cháu trong tuổi già. Nên dù ở xa, hoặc bận rộn trong sinh hoạt hằng ngày, chúng nó vẫn thư từ, điện thoại liên lạc, thăm hỏi, trợ cấp thêm tiền bạc, hoặc thường xuyên viếng thăm vấn an sức khỏe cha mẹ. Điều đáng cám ơn con cháu là trước đây các con tôi đã tự động đứng ra tổ chức lễ Ngân Khánh mừng thọ 25 năm thành hôn của vợ chồng tôi. Bây giờ, các con các cháu lại họp mặt về đây tổ chức lễ Kim Khánh, mừng thượng thọ cha mẹ kỷ niệm 55 năm thành hôn. Chúng nó còn dự trù sắp xếp để vợ chồng tôi đi hưởng ‘’tuần trăng mật’’ trong tuổi xế chiều ở một nơi nào đó sau khi tổ chức lễ Vàng, tạo cơ hội vợ chồng tôi có được khoảng thời gian và không gian rất riêng tư đầy thơ mộng để sống lại những giây phút tình yêu mượt mà của thời thanh xuân.
Thanh niên nam nữ ở tuổi dậy thì bước chân vào đời, cô cậu nào cũng có những ước mơ thầm kín cho riêng mình về một tình yêu vừa ý, có được người bạn đời hợp tính, hợp tình, cùng quan niệm sống để yêu, để kết duyên vợ chồng ăn đời ở kiếp. Nhưng với vợ chồng tôi lại là chuyện...bất ngờ, kiểu như bắt cóc bỏ dĩa... chẳng khác nào...’’bất chiến tự nhiên thành’’...trong cuộc đời của hai chúng tôi...!
Ngày trước, ông Châu là người dân quận Ô Môn, Cần Thơ. Gia đình ông là điền chủ, giàu có nhất nhì tại địa phương. Sau khi qua cấp trung học, cha mẹ cho ông lên Saigon vào đại học. Tại đây, ông kết thân với ông Khâm, bạn học cùng trường cùng lớp. Hai người thân nhau cho đến lúc ra trường, ông Châu về lại nguyên quán, và làm việc trong Chính Phủ bảo hộ tại quê nhà thời ấy. Một thời gian sau, ông nghỉ việc, ở nhà trông nom chăm sóc ruộng đất, vườn tược của cha mẹ để lại, sống cuộc đời thanh nhàn giàu sang hưởng lạc cùng vợ con tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Vợ chồng ông Châu sinh hạ 5 người con, nhưng chỉ có Tùng là trai duy nhất và rất được cưng chiều. Sau khi qua cấp trung học, Tùng được cha mẹ cho du học tại Pháp, ngành kiến trúc. Tùng là một thanh niên vừa lớn tính nết điềm đạm, thông minh, có vóc dáng cao ráo khỏe mạnh, đẹp trai, da trắng, khuôn mặt chữ điền trông dễ mến và phúc hậu. Càng lớn Tùng càng tỏ rõ bản lĩnh rất đàn ông. Nhưng anh chàng có một nhược điểm dường như khó sửa đổi đó là tính nhát gái. Paris, kinh đô ánh sáng và văn minh, đầy ắp trai thanh gái lịch các nơi đổ về, nơi ăn chơi muôn màu muôn vẻ...thế mà Tùng vẫn chưa có được mối tình nào, và chưa hề quen hoặc chưa hề kết thân với một người con gái nào. Mỗi lần bất đắc dĩ phải đứng trước một cô gái dù đẹp dù xấu là khuôn mặt anh chàng cứ đỏ gay, thẹn chín người, mất tự nhiên, miệng cứ lắp bắp để rồi chẳng thốt lên được lời nào ra hồn. Nhưng khi ở những chỗ đông người, cần thảo luận, nói trước đám đông là Tùng thao thao không biết mệt. Vì thế, chuyện trai gái, yêu đương đối với Tùng không là vấn đề hấp dẫn.
Người bạn học thân của ông Châu là ông Khâm sau khi ra trường theo cha điều hành công ty xuất nhập cảng ở Saigon. Vài năm sau ông cưới vợ, một cô nữ sinh hoa khôi duyên dáng của một trường trung học lớn tại Saigon thời ấy. Hai ông bà có bốn người con, và Thủy Tiên là gái út. Thủy Tiên giống mẹ, đẹp rực rỡ, kiêu sa. Thủy Tiên có nét đẹp Tây phương, khuôn mặt trái soan, sóng mủi cao, đôi mắt lớn xanh đậm long lanh, hàng mi dài cong vút. Nước da của Thủy Tiên trắng hồng mịn màng, mái tóc óng ả màu nâu nhạt chảy dài trên đôi bờ vai. Cạnh nét đẹp sắc sảo ấy, bản tính của Thủy Tiên rất lãng mạn đa tình. Ở tuổi dậy thì đôi mươi, cơ thể phát triễn đều đặn cân đối, nên Thủy Tiên là đối tượng của những thanh niên si tình trong lúc cô nàng vẫn còn đang tiếp tục năm cuối đại học.
Gia đình ông Khâm thuộc giai cấp trung lưu giàu có. Ngoài căn phố trong Chợ Lớn dùng làm cơ sở công ty xuất nhập cảng, vợ chồng ông Khâm được cha mẹ giao cho ngôi biệt thự hai tầng lầu ngay mặt tiền của một con đường lớn ở quận 2. Gia đình ông sử dụng hai tầng lầu bên trên để ở, và tầng dưới mở hiệu cà phê Thanh Đa có đèn màu, cuối tuần có nhạc sống rất bề thế do vợ ông, bà Kim Sương trông nom. Từ lúc hai người bạn thân Châu và Khâm rời ghế nhà trường mỗi người đi mỗi nơi, kẻ ở quê, người thành thị, bận rộn đời sống gia đình, vợ con, công ăn việc làm nên rất hiếm hoi cơ hội gặp nhau hàn huyên tâm sự. Chỉ những dịp quan, hôn, tang, tế mới có thông báo cho nhau, và năm khi mười họa gởi cho nhau những lá thư thăm hỏi, vấn an sức khỏe.
Năm nay, Tùng con trai ông Châu đã 27 tuổi, và sau 5 năm du học tại Pháp, Tùng đã tốt nghiệp ngành kiến trúc, trở thành kiến trúc sư và trở về nước. Đây là một niềm vinh dự lớn làm rạng rỡ tông đường của một gia đình giàu có miền lục tỉnh, nên gia đình ông Châu ngã hàng chục con heo, bò, thuê mướn những tay thợ nấu ăn giỏi từ Saigon về, mở đại tiệc ăn mừng ba ngày ba đêm trong khu vườn trái cây rậm mát chung quanh nhà, có sân khấu trình diễn nhạc sống, có múa lân, có cải lương, hát bộ giúp vui. Bà con, thân nhân dòng họ, láng giềng thân sơ tại địa phương Ô Môn, Cần Thơ, các vùng lân cận, các tỉnh xa đều được mời đến chung vui như một ngày hội lớn. Nhất là các cô gái tuổi đôi mươi độc thân, có học, có nhan sắc quanh vùng cũng tháp tùng theo gia đình cha mẹ anh chị, hoặc từng tốp nhỏ đôi ba người kéo đến tham dự cuộc vui để thừa cơ hội len lén chiêm ngưỡng anh chàng kiến trúc sư tuổi trẻ tài hoa đẹp trai vừa ở Pháp về. Lẽ dĩ nhiên gia đình ông Khâm bạn thân ở Saigon cũng được mời có cả kiều nữ Thủy Tiên, Họ là khách mời danh dự được đón tiếp thật trang trọng. Trong niềm vui đầy hãnh diện và vinh dự như thế, và cũng là cơ hội được tiếp xúc quen biết những cô gái tài sắc ở quê mình, nhưng Tùng với bản tính nhát gái cố hửu đã như phớt lờ trước những đóa hoa biết nói đang vây chung quanh suốt ba ngày đại tiệc. Anh chàng nhát gái dường như thích né tránh khi chạm phải người đẹp muốn gợi chuyện làm quen. Cùng lắm, Tùng chỉ mỉm cười gật đầu, mặt thì cứ đỏ bừng bừng, nói lí nhí một đôi tiếng lấy lệ rồi tìm cách lãng tránh. Có cơ hội được gặp nhau trong cuộc vui hiếm có, hai ông bạn già Châu và Khâm thoải mái đàm đạo vui như pháo tết. Hai gia đình luôn tỏ ra niềm tự hào hãnh diện về gia thế của mình. Và cũng thật bất ngờ như một thôi thúc khi cả hai gia đình đồng cảm nhận sự ưng ý cho tương lai cuộc đời của con cái mình. Vợ chồng ông Khâm thích ‘’ lăn xê’’ Thủy Tiên, cô con gái sắc nước hương trời của mình để tìm cách bắt cho được chàng rễ qúy. Trong cùng suy nghĩ ấy, vợ chồng ông Châu cũng không tiếc lời tâng bốc cậu con trai với hy vọng có được con nhỏ Thủy Tiên cho con trai cưng của mình. Thế là bổng chốc họ đang cùng hợp ý kết thành xui gia, mở lời cầu hôn cho đôi trai tài gái sắc nên duyên vợ chồng.
Giữa bàn tiệc linh đình, đèn hoa rực rỡ trong gian phòng sang trọng, Tùng và Thủy Tiên được kêu ra trình diện trước song thân, họ hàng thân nhân để có quyết định cuối cùng.
Ông Châu, chủ nhà lên tiếng trước, nói với con trai mình :
- Tùng à ! Ba Mẹ thật hãnh diện về con. Tương lai sự nghiệp con đang đạt thành, gia đình Ba Mẹ thật bằng lòng. Con đã làm rạng rỡ gia tông nên mới có ngày vui hôm nay, giờ Ba Mẹ phải lo cho con yên bề gia thất. Kể từ hôm nay Ba Mẹ chấp nhận làm xui với gia đình anh chị Khâm, và anh chị ấy đồng ý gã Thủy Tiên cho con đó. Ý con trai của Ba Mẹ như thế nào cho Ba Mẹ biết ý kiến ?
Nghe cha mẹ nói đến chuyện vợ chồng, Tùng đỏ mặt sượng người, nhưng lại cứ len lén liếc nhìn Thủy Tiên đang đứng bên cạnh, cũng chỉ vì từ hôm qua khi gia đình ông Khâm và Thủy Tiên từ Saigon xuống dự cuộc vui, Tùng đã sững sờ đến tột độ trước nhan sắc kiêu sa rực rỡ của người con gái Saigon này. Tùng đã bị Thủy Tiên hốt hồn ngay từ lúc chạm mặt khiến anh chàng cứ mơ mơ tưởng tưởng. Mơ mơ rồi tưởng tưởng nhưng không nói lên lời. Mặc bộ veston đúng thời trang may từ Paris về, giày bóng, cà vạt hợp màu áo, trông Tùng rất thanh lịch đẹp trai, trí thức bên cạnh kiều nữ sắc nước hương trời trong bộ jupe màu hạt dẻ đúng thời trang. Mọi người từ các bàn tiệc đổ dồn ánh mắt ngắm cho bằng được đôi trai tài gái sắc với những lời thì thầm to nhỏ, nhất là các cô gái xinh đẹp khác ở quanh vùng lân cận hiện đang có mặt dự tiệc vui.
Chưa nghe con trai trả lời câu hỏi, ông Châu lại nhắc chừng :
- Sao con ? Ý con bằng lòng Thủy Tiên chứ ?
Lại sượng sùng, đỏ mặt, Tùng cười cười rồi chỉ thốt lên được một tiếng ‘’Dạ’’ gọn trơn.
Cả bàn tiệc ai nấy đều vui mừng, ông Châu nâng ly rượu vang uống cạn như thỏa mãn lòng mong đợi. Ông Khâm cũng thích thú cạn ly của mình rồi nhìn con gái cưng :
- Thủy Tiên, Ba Má cùng hợp ý bằng lòng với gia đinh bác Châu rồi đó con. Cháu Tùng rất xứng đáng là chồng của con không còn gì phải so sánh, kén chọn. Thủy Tiên, con gái yêu của Ba Má, hãy nói cho Ba Má nghe ý kiến của con thế nào ?
Gian phòng đột nhiên im lặng, mọi người lại đang đổ dồn ánh mắt nhìn Thủy Tiên để nghe câu trả lời. Tuy đang còn là sinh viên chỉ biết sách vở và học hành, nhưng nhìn phong cách của con nhỏ rất ư là người lớn sành đời và dạn dĩ. Nghe cha hỏi, Thủy Tiên mỉm cười duyên, đôi má càng ửng hồng liếc nhìn anh chồng tương lai trong ánh mắt thật lãng mạn khiến Tùng đâm ra luống cuống đang như bị hốt hồn. Thủy Tiên trịnh trọng thưa :
- Thưa Ba Má, thưa hai Bác, bà con thân tộc. Đối với con, chuyện vợ chồng là chuyện ăn đời ở kiếp đấy ạ Con nghĩ trước khi vợ chồng chung sống với nhau, hai người phải có tình yêu trước để tìm hiểu. Có yêu mới sống với nhau trọn đời. Không những chỉ yêu mà còn phải hợp tính tình, có chung quan điểm trong lối sống thì hạnh phúc mới bền. Chắc gì anh Tùng yêu con ? Không yêu, đến nửa chừng anh Tùng bỏ con thì sao ? - Thủy Tiên ngập ngừng, xoay người nhìn Tùng đắm đuối càng khiến cho anh chàng ngẩn ngơ chẳng dám nhìn lại - Thủy Tiên nói tiếp, tuy nhiên, thưa Ba Má phận làm con, Ba Má đặt đâu con ngồi đó đâu dám cãi lời.
Thực khách trong bàn tiệc cười rộ cho lối nói nửa vời của Thủy Tiên. Có tiếng thì thầm to nhỏ khen chê của một tốp cô gái ở một góc phòng. Ông Khâm đở lời con, đồng thời trấn an con gái cưng của mình :
- Anh chị Châu à, con nó nói là nói vậy thôi, chứ cha mẹ hai bên còn đầy đủ không lẽ mình không quan tâm đến hạnh phúc gia đình con cái hay sao. Nói chứ, quyền quyết định cũng ở nơi chúng ta một phần nào chứ. Còn con gái của Ba Má hãy an tâm không như con nói đâu mà lo ngại.
Mọi người lại một phen vỗ tay chúc mừng lương duyên của con trẻ xem như kết thúc theo như sự ước mong của hai gia đình, rồi tiếp tục trò chuyện thảo luận chuyện cưới hỏi. Hai gia đình đồng ý vừa lễ hỏi, lễ cưới làm một và cũng nên tổ chức đám cưới ngay hai tuần sau đó, vì Tùng phải trở qua Pháp để dự các buổi thính thị và thực tập rồi nhận cấp bằng. Đồng thời cũng là dịp để cho đôi uyên ương đi hưởng tuần trăng mật nơi kinh đô ánh sáng chừng thời gian ngắn, và Thủy Tiên phải trở về vào trường tiếp tục năm học cuối sau kỳ nghỉ hè này.
Ba ngày sau, ông Châu muốn Tùng nên đi Saigon gặp Thủy Tiên để hai đứa trẻ có cơ hội gần nhau và thân mật nhau nhiều hơn trước khi làm đám cưới. Đối với Tùng sau ngày hứa hôn vừa rồi, anh chàng cảm thấy nhớ Thủy Tiên nên khi nghe cha gợi ý là Tùng lên đường ngay. Tùng đến Saigon gần 10 giờ đêm vì xe đò bị hỏng dọc đường mất nửa ngày. Sống bao nhiêu năm tại Paris, ảnh hưởng lối sống Tây phương nên Tùng không thể đến nhà cha mẹ vợ vào lúc nửa đêm ngại phiền hà là chuyện không lịch sự, đành tìm khách sạn qua đêm. Sáng hôm sau, đáng lẽ Tùng phải đi taxi hoặc xích lô đến nhà Thủy Tiên cho nhanh để gặp Thủy Tiên, anh chàng lại cứ tà tà thả bộ từ khách sạn đến hiệu cà phê Thanh Đa cũng là nhà của cha mẹ vợ.
Khi đến nơi, Tùng cứ chần chờ không dám vào cũng vì bản tính nhút nhát cố hửu khi đối diện đàn bà con gái, chuyện vợ chồng, chuyện trai gái yêu đương...nên anh chàng chẳng có quyết định nào dứt khoát mà cứ đứng né cạnh gốc cây lớn đối diện bên này đường nhìn sang cửa nhà vợ, với ý nghĩ chờ khi nào thấy Thủy Tiên từ trong nhà bước ra là anh chàng sẽ phóng sang ngay gặp nàng xem như tạo sự bất ngờ cho đở bớt ngượng.
Cứ thế qua hơn một tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy bóng dáng Thủy Tiên bước ra khỏi nhà, nhưng Tùng không thất vọng vẫn cứ chờ. Tùng dõi mắt chú ý những người khách, nhiều hạng người ra vào hiệu cà phê Thanh Đa. Cũng may mắn trên lề đường gần đó có một ki-ốp bán sách báo, văn phòng phẩm. Cạnh đó những gánh bán bún riêu, chè, sữa đậu nành...của những người đàn bà lớn tuổi. Tùng vội sà ngay đến quán sách báo, đảo mắt nhìn những tờ báo, cuốn sách thật bình thản như kẻ nhàn du. Cô hàng sách báo là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, dáng dấp mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt to đượm nét linh hoạt, nước da trắng hồng, đặc biệt mái tóc thật đen và dày phũ kín xuống hết lưng trông rất ư là quyến rũ. Tùng lẩm bẩm nghĩ thầm, cô nàng bán sách báo này cũng đẹp ác, đâu thua gì Thủy Tiên. Không hiểu sao lần đầu tiên đứng trước một cô gái đẹp, Tùng lại cảm thấy lòng xôn xao chi lạ, có lẽ cũng do từ những mơ tưởng dáng sắc của Thủy Tiên trong vài ngày qua.
Cô hàng sách báo nhìn thấy khách đến mua hàng, lại là một chàng rất trẻ, khôi ngô tuấn tú, ăn mặc lịch sự hợp thời trang, phong thái chững chạc rất trí thức, nên đon đả chào mời khách rất lịch sự và thân tình bằng nụ cười duyên dáng :
- Chào anh. Hôm nay có nhiều báo và sách vừa mới ra anh ạ, mời anh mua giùm em nhé, Anh mở hàng cho em được đông khách. Cám ơn anh trước.
Nghe giọng nói thanh rất truyền cảm, lịch sự của cô hàng sách báo, đột nhiên Tùng cảm thấy mến rồi bạo dạn nói chuyện, không còn nhút nhát. Tùng liếc nhìn cô hàng sách báo rồi nhìn bâng quơ lên bảng hiệu quán sách :
- Quán sách Tương Giang, tên rất đẹp và gợi cảm.
- Cám ơn anh quá khen. Tên quán sách cũng là tên của em đấy.
- Cô Tương Giang, tên cô đẹp như một dòng sông...mà một bản nhạc nào đó có nói về sông Tương...ai có về trên bến sông Tương...cô Tương Giang nhớ không ?
- Em biết. Anh cũng lắm mơ mộng...cám ơn anh...tên em là như thế, cha mẹ chọn và đặt cho em...và tên anh...cũng đẹp lắm phải không ?
- Tùng...một loại cây tùng bách ở trên đồi và núi cao...đấy cô Giang ạ.
Hai người cùng cười trước những câu nói vui. Thấy khách vui, Tương Giang liền gợi chuyện :
- Dường như anh Tùng chẳng phải là người Saigon, và như vừa ở nước ngoài mới về, vì trông anh khác hơn người ở đây ? Tùng càng trở nên dạn dĩ trước cô gái lạ có một phong cách rất khả ái khiến cho Tùng không thể dấu diếm :
- Đúng đấy cô Tương Giang ạ, đúng cô là thầy bói. Tôi là dân miền Tây Nam Bộ, vừa du học Pháp mới về. Dứt lời, Tùng cầm một quyển tạp chí lật lật vài trang, nhưng chẳng có hứng thứ gì để đọc những hàng chữ chi chít trên trang báo. Đôi mắt chàng vẫn liếc nhìn về hướng cửa hiệu cà phê Thanh Đa bên kia đường. Vài người dừng lại mua sách báo khiến cô hàng luôn bận rộn, nên hai người không còn tiếp tục chuyện trò. Đột nhiên, bên kia đường Thủy Tiên từ trong cửa hiệu cà phê Thanh Đa bước ra. Hôm nay Thủy Tiên mang đôi kính mát màu đen trông rất ngầu, vai mang sắc tay lủng lẳng, diện chiếc váy ngắn bó sát, chiéc áo thun màu kem ngắn tay hở cổ...Thủy Tiên đẹp...đẹp quyến rũ, Tùng cảm thấy bối rối nôn nao lạ thường, định chào cô hàng sách báo Tương Giang để bước nhanh qua đường gặp Thủy Tiên tạo bối cảnh gặp gỡ bất ngờ như đã dự định. Nhưng vừa lúc một thanh niên đi Honda vút đến trước cửa cà phê Thanh Đa và Thủy Tiên vội ngồi lên sau xe, hai tay ôm eo ếch chàng thanh niên. Chiếc xe Honda chở hai người vút nhanh mất hút giữa rừng người trên mặt lộ. Tùng sững sờ và cảm thấy ngột ngạt đứng im như pho tượng trước quán sách Tương Giang với những nổi thắc mắc không lời giải đáp. Cũng may lúc đó vẫn có những người đang vây quanh mua sách báo, nên Tương Giang không chú ý đến Tùng và những gì vừa xảy ra..
Qua vài phút ổn định tinh thần, Tùng dự tính phải chờ Thủy Tiên trở về là phóng qua ngay, làm bạo nắm lấy tay vợ âu yếm dẫn vào nhà, nếu gả thanh niên lôi thôi phải cho gả lảnh đủ. Tùng quay lại lựa một vài tờ báo, trả tiền, đứng tựa lưng vào gốc cây mở báo đọc. Nhưng Tùng có đọc được gì trước những con chữ cứ nhảy múa trước mặt. Hồi lâu, vắng khách mua, cô hàng sách báo lại chú ý đến Tùng, tò mò hỏi :
- Dường như anh Tùng đang chờ ai phải không ? Em có cái ghế xếp đây anh, anh Tùng ngồi cho đở chân nhé.
- Cám ơn cô Tuơng Giang, quả thật tôi đang chờ một người bạn, anh ta hẹn sẽ đến đây.
Nhờ cái ghế, Tùng ngồi đâu lưng với quán sách báo vừa đọc báo, vừa để mắt theo dõi bên kia hiệu cà phê Thanh Đa. Quán sách báo Tương Giang cũng đắt khách, nên cô hàng không phải ngồi không. Đến trưa, vẫn chưa thấy Thủy Tiên trở về nhà, Tùng cảm thấy nản, vợ với con, bụng lại đói, chàng tấp ngay vào gánh bún riêu cạnh quán.
- Bác cho cháu một tô.
Từ sáng đến giờ bà Tám bún riêu cũng chú ý đến Tùng cứ lẩn quẩn bên quán sách báo, đồng thời cũng nghe lõm bõm được những câu đối đáp giữa Tùng và cô hàng sách báo, bà nói vuốt :
- Tội nghiệp, cháu có lòng với bạn bè, đợi từ sáng giờ mà chưa gặp bạn. Cháu đói lắm phải không ? Bác làm cho cháu tô đặc biệt. Bà quay hỏi Giang, con ăn bún, mẹ làm luôn thể.
- Dạ, con đang bận, lát rồi mẹ làm cho con. Bà Tám bún riêu tính tình cổi mở bộc trực, được dịp là than thở nổi lòng :
- Con Giang, nó là con gái của bác đấy. Nhà vô phúc, nên nó phải ra ngồi bán buôn như thế này. Nó đang học năm đệ nhất sắp thi thì ông nhà mất, Kế tiếp khu phố bác đang ở bị hỏa hoạn, nhà cửa tài sản của mọi người và của bác đều tiêu tùng, chẳng còn cái chén ăn cơm. Giờ hai mẹ con phải lê la kiếm sống như thế này để nuôi hai đứa em nó ăn học.
Nghe kể, Tùng cảm thấy xót cho gia đình bà Tám, nhưng tâm trí Tùng đang nặng trĩu ám ảnh hoạt cảnh Thủy Tiên ôm eo ếch gả thanh niên đú đởn chở nhau trên Honda sáng nay. Tùng chẳng góp được lời nào với bà Tám. Chàng im lặng ăn vội tô bún, đứng dậy trả tiền thì cũng vừa lúc chiếc Honda trờ tới đậu trước hiệu cà phê Thanh Đa. Thủy Tiên vội xuống xe đi nhanh vào nhà và gả thanh niên nhanh nhẹn dọt xe biến mất trên đường phố. Sự việc diển tiến quá nhanh không thể ngờ, khiến Tùng không kịp trở tay. Tùng bực tức gầm lên ‘’đồ khốn’’. Tùng muốn vào nhà, vào gặp Thủy Tiên ngay, nhưng vì lòng tự trọng, vì thể diện, vì tính nhút nhát cố hửu và tự ái đang bị tổn thương, nên Tùng cố tự chế nổi hờn ghen. Tùng đón taxi về phòng ngủ.
Sáng hôm sau, Tùng trở lại chỗ cũ, nhưng không đứng chờ tại quán sách báo Tương Giang. Chàng tấp ngay vào tiệm ăn gần đó, chọn một chỗ ngồi ngoài mái hiên để dễ dàng theo dõi về hướng nhà Thủy Tiên. Từ sáng đến trưa, hết cà phê, rồi phở, rồi nước giải khát... đôi ba lượt. Hoạt cảnh ngày hôm qua lại tái diễn từ sáng đến trưa. Thủy Tiên vẫn chưng diện lộng lẫy, vẫn ngồi sau xe Honda, ôm cứng eo ếch, ngã đầu lả lơi trên vai gả thanh niên đi...rồi về. Không còn gì nữa. Chán và buồn. Tùng ra ngay bến xe về Ô Môn ngay buổi chiều. Về đến nhà, ông bà Châu thấy con trai về vui mừng hỏi han, Tùng buồn rầu trả lời, con mệt, con muốn nằm nghỉ. Những ngày kế tiếp, Tùng giữ im lặng không nói với ai về những gì đã chứng kiến ở Saigon. Chàng tự nhủ, có nói ra sợ Ba Mẹ buồn chẳng ích gì. Mọi sự tổ chức đám cưới đang hoàn thành đâu đó. Thôi thì đến đâu hay đến đó, ít hôm nữa Thủy Tiên cũng là của mình rồi. Cưới nàng, dẫn nàng đi Paris ngay là xong chuyện chẳng còn gì phải lo.
Gia đình ông Châu đang lo tổ chức đám cưới cho con trai. Đám cưới lớn chưa từng thấy ở quận Ô Môn, Cần Thơ. Thực khách được mời bằng thiệp mời trên năm trăm người đã được gởi đi từ hai tuần trước, chưa kể một số lớn những người không có thiệp mời nhưng họ tự động phải đến để trả ơn nghĩa cho gia đình ông từ trước đến nay. Dự tính nhóm họ, ăn uống ba ngày đêm sau khi rước dâu về. Nhạc sống. Cải lương. Một đội ngũ thợ nấu và người giúp công việc, phục vụ đám cưới đông đảo. Xung quanh nhà là khu vườn rộng được dựng rạp phũ kín. Bàn ghế được thuê từ tiệm chở về sắp xếp từng dãy dài ngăn nắp. Bò, heo, gà, vịt được xẻ thịt. Bánh trái, thực phẩm, hoa quả, rượu trà la liệt. Nữ trang cho cô dâu bằng hột xoàn và xiêm áo thuộc loại đắt tiền. Mười chiếc xe hơi được thuê bao kết hoa sặc sỡ để đi đón cô dâu đã sẳn sàng chờ giờ khởi hành.
Vợ chồng ông Châu tất bật coi ngó và chỉ dẫn mọi người lo công việc trong ngoài đâu đó ổn thỏa. Ông bà luôn hãnh diện đám cưới của con trai mình cùng với thân nhân, dòng họ kể cả người ngoài. Riêng Tùng bề ngoài thật bình thản, chuyện trò vui đùa cùng bạn bè, nhưng trong lòng như lửa đốt vì cứ nghĩ đến cảnh Thủy Tiên ngồi sau Honda ôm chặt gả thanh niên, ngã đầu lả lơi trên vai hắn. Không biết họ chở nhau đi đâu ? Làm gì ? Có thể Thủy Tiên cũng đã được những gả thanh niên chở nhau nhiều lần như thế rồi không chừng ? Gả thanh niên ấy có liên hệ gì với Thủy Tiên ? Thân nhân, người nhà ? Bồ bịch, ma cô, cao bồi, du đảng ? Bao nhiêu câu hỏi lẩn quẩn trong đầu không lời giải đáp. Tùng vì luôn nghe lời cha mẹ, chưa bao giờ làm điều gì sai để cha mẹ buồn phiền, nên có gì chăng nữa, Tùng cố gắng chịu đựng, tự kiềm chế bản thân.
Ngày cưới đã đến. Buổi sáng 8 giờ, mọi người đã chuẩn bị hoàn tất và lên xe. Số người đi rước dâu trên dưới năm mươi và đoàn xe 10 chiếc bắt đầu khởi hành đi Saigon trực chỉ đến nhà gái. Phải cố gắng đến sớm để kịp giờ lành tháng tốt. Hôm nay là ngày vui nhất trong đời Tùng, nhưng chàng cảm thấy áy náy, rụt rè lẫn chút thẹn thùng cũng do từ bản tính. Hơn nữa phải đang mặc chiếc áo dài the xanh, đầu đội khăn đống Tùng cảm thấy khó chịu, nhột nhạt mất tự nhiên làm sao đấy !
Đoàn xe đến nơi sớm hơn giờ qui định, nên tất cả phải ngồi yên trên xe chờ đúng giờ để vào trình giờ bên nhà gái xin phép mới được vào. Phía nhà gái ở thành phố chật chội nên không dựng rạp rình rang như dưới quê. Tầng dưới ngôi nhà rất rộng là hiệu cà phê Thanh Đa hôm nay được trang hoàng hoa đèn rực rỡ. Những dãy bàn ghế chưng dọn tươm tất hai bên, giữa có lối đi rộng từ cửa chính vào. Nhiều người hiếu kỳ chung quanh bu lại xem đông, nhất là họ cố nhìn mặt cô dâu, chú rễ. Ngồi trên xe chờ đợi, Tùng thoáng thấy bóng dáng bà Tám bún riêu cũng có mặt trong số người tò mò đứng xem. Tùng vội liếc nhìn qua quán sách báo thì thấy Tương Giang cô hàng bán sách báo xinh đẹp duyên dáng cũng đang đứng bên này đường nhìn qua. Cô hàng sách báo xinh đẹp ấy chỉ mới quen nhau chốc lát tuần lễ trước đã để lại trong lòng chàng ấn tượng đẹp khó quên. Tương Giang cũng là thiếu nữ xinh đẹp đâu thua gì Thủy Tiên của mình. Đột nhiên Tùng cảm thấy sượng cả người, khi biết rằng thế nào hai mẹ con Tương Giang cũng thấy mình đang có mặt là chú rễ hôm nay.
Phải đến ba mươi phút sau mới hoàn tất thủ tục trình giờ. Phía nhà trai lần lượt tiến vào nhà. Chủ, khách trịnh trọng niềm nỡ chào mời, bắt tay, nói nói cười cười vui tươi. Ai ai cũng cố tạo cho mình một phong cách kiểu cách, lịch sự và lần lượt vào từng vị trí chỗ ngồi. Trên chục mâm lễ vật phủ khăn đỏ sặc sỡ được xếp hàng dài trên chiếc bàn đặt trước bàn thờ lớn uy nghi giữa nhà. Riêng Tùng thì đứng khép nép im lìm ở một góc như tránh né những đôi mắt đang chăm chăm nhìn chàng và cũng chờ lệnh ông mai hoặc cha mẹ bảo làm gì thì làm theo. Tùng biết thế nào bà Tám bún riêu cũng đã nhìn thấy mình rồi. Thỉnh thoảng Tùng cũng len lén rảo mắt qua phòng phía sau tìm bóng dáng cô vợ tương lai.
Ông mai, vị chủ lễ bên nhà trai là một cụ cao niên râu tóc bạc phơ đứng giữa nhà thông báo :
- Thưa bà con hai họ, chúng ta còn đến nửa giờ nữa mới được giờ lành để khởi sự hôn lễ. Quí bà con vui lòng ngồi nghỉ ngơi, uống nước, nói chuyện chờ đến giờ. Phía nhà gái chuẩn bị sẳn sàng cô dâu để đúng giờ đưa ra trình diện hai họ và bái yết ông bà, cha mẹ.
Vừa nghe ông mai thông báo, ông Khâm, xui gia đàng gái vội bước vào phòng trong nói với vợ :
- Mình ơi ! con Thủy Tiên ăn mặc trang điểm xong chưa mình ? Chuẩn bị sẳn sàng đưa con gái mình ra trình diện hai họ đấy.
Bà Kim Sương nghe chồng nhắc, bà càng nhăn nhó bực dọc :
- Tôi cũng đang sốt ruột, đứng ngồi không yên đây. Thủy Tiên nó bảo đi làm tóc, trang điểm, sao giờ chưa thấy về. Tôi đã cho người đi tìm nhiều nơi từ sáng rồi vẫn chưa thấy gì.
- Hả ? Mình nói sao ?
- Mình chẳng biết gì hết, ngày hôm qua vợ chồng bận việc bên công ty xuất nhập cảng đến khuya thì tôi mới về, nghe người nhà nói lại là con Thủy Tiên đi chơi với lũ bạn nó. Nó còn nói với người nhà đi chơi lần cuối với bạn bè rồi lấy chồng. Luôn tiện sáng nó ghé thẩm mỹ viện làm tóc, trang điểm. Vậy mà...chẳng thấy tăm hơi !
Ông Khâm sững sốt trước thực trạng không thể ngờ đến. Ông cũng chẳng hay biết gì, cứ ngỡ con gái mình đang ở trên lầu, vì ông cũng vừa từ công ty về nhà thì họ đàng trai đến. Chuyện cưới hỏi đều do vợ ông và số đông người nhà lo nên ông yên tâm, bởi hằng ngày ông bù đầu bao nhiêu công việc làm ăn đâu có thì giờ rảnh. Giờ thì ông Khâm như đang ngồi trên đống lửa, ruột gan ông tê tái, ông rít lên, hùng hổ quát tháo mọi người đi tìm cho bằng được con Thủy Tiên. Cùng lúc ấy những người trong gia đình đi tìm Thủy Tiên đang lần lượt trở về báo là chẳng thấy Thủy Tiên đâu. Một người trong số gia nhân đi tìm còn nói nghe Thủy Tiên thuê bao xe đi chơi xa với bạn chiều hôm qua rồi. Đứa khác thì đưa tin nói là Thủy Tiên sợ lấy chồng nên đi trốn một nơi nào đó. Đứa thì nói Thủy Tiên theo thằng bồ sinh viên mà từ lâu nó đã yêu không trở về nhà nữa...Cứ thế, người một câu, kẻ một lời...loạn lên không còn biết tin vào đâu. Bà Kim Sương nghẹn cứng cổ chẳng biết nói gì, ngồi im như người vô hồn. Ông Khâm đi tới đi lui nhăn nhó, rên rĩ dậm chân, xua tay. Ông hậm hực nghiến răng :
- Biết làm sao...làm sao...bây giờ hở trời. Chết tôi rồi ! Làm sao đây..!? Làm sao đây..!?
Căn phòng sau mỗi lúc nhốn nháo ồn ào. Nhiều người đang đứng chật bên ngoài xem đám cưới cũng tò mò bu lại dòm dõ nghe ngóng. Vợ chồng ông Châu, bên nhà trai đang ngồi tiếp chuyện với khách, nghe thấy ồn ào nhốn nháo vội bước qua phòng sau. Vừa thấy xui gia, ông Khâm đưa hai tay lên trời, tỏ dấu bất lực :
- Con Thủy Tiên trốn đi đâu mất rồi anh chị ơi...! Biết sao giờ...
Ông như nghẹn lời chỉ nói được chừng ấy, rồi vội bước đến đóng cánh cửa thông ra phòng trước mà hai họ đang ngồi chờ giờ. Sau khi nghe một người trong gia đình tường thuật sự việc, vợ chồng ông Châu thất sắc ngẩn ngơ nhìn xui gia : - Anh chị...Khâm ơi...! sao có chuyện lạ đời vậy ? Anh chị tính sao đây ? Đám cưới không có cô dâu...thì là như thế nào ? Ăn làm sao, nói làm sao trước hai họ, còn cả gia đình anh chị, cả gia đình tôi, còn cả bao nhiêu người bên tôi ở dưới quê đang ngồi chờ rước dâu về. Anh tính sao ? Anh chị tính sao hả anh chị Khâm ?
Ông Châu trở lại bình tĩnh trấn an :
- Được...được...không sao, anh chị yên tâm. Để tôi tính...mà.
- Yên tâm là yên tâm làm sao ? Tính là tính cái gì giờ ? Sắp đến giờ hôn lễ mà không có cô dâu thì yên tâm cái nổi gì. - Thì anh chị cứ để... tôi đang tính.
Ông Châu, xui gia đàng trai như đang chợt nghĩ ra điều gì, vội nói :
- Hay là...hay là như thế này anh chị Khâm nè, đến nước này, để cứu vớt danh dự, tôi đề nghị mình kiếm con nhỏ nào gần giông giống con Thủy Tiên thay tạm vào...cho xong việc được không ?
Vừa nghe xui gia đàng trai gợi ý, vợ chồng ông Khâm nghe có lý. Chỉ có vậy mới thoát được vấn đề nan giải. Sau đó phải tìm cho bằng được bắt con Thủy Tiên về. Ông Khâm nói :
Ý kiến anh chị nghe cũng được, thay tạm như thế, sau đám cưới sẽ tính, biết đâu con Thủy Tiên nó về thì mọi chuyện đều thông suốt. Giả như nó không về thì sao ? Còn con nhỏ thay tạm, sau đám cưới nó không phải là dâu, là con của mình thì cũng tội nghiệp nó ‘’lỡ duyên con gái’’ cả thằng con trai của anh.
- Anh Khâm ơi, nhà cháy không lo chữa, cứ lo dọn đồ đạc, nhà sẽ ra tro. Anh thật dài dòng, lý sự. Mình kiếm một con nhỏ cho nó tiền là xong. Tạm thôi mà.
Mọi người nhìn nhau, như đang moi trí nhớ để tìm một cô gái giống như Thủy Tiên. Bà Tám bún rêu đang có mặt trong số người tò mò đứng xem đám cưới nghe được câu chuyện, bà liền bước vào đến trước ông Châu và ông Khâm dõng dạc hỏi :
- Các ông cho bao nhiêu tiền ? Tôi thấy gia đình đang bí lối giải quyết vấn đề, nghĩ cũng tội nghiệp. Tôi giúp cho. Tôi nói con gái tôi tạm thay thế làm cô dâu.
Tất cả mọi người nhìn sửng bà Tám bún rêu như một vị cứu tinh trong tình thế bí lối. Ông Khâm nói ngay :
- Ngỡ ai xa lạ, chị Tám bán bún rêu trước nhà tôi. Chị định cho con Tương Giang thay tạm hả ? Được lắm. Được lắm. Con Giang cũng khá giống con Thủy Tiên, nhưng không biết con chị bằng lòng không ? Nếu được chị giúp, tôi tặng chị 5 chỉ vàng.
Bà Tám trừng mắt :
- Duyên con gái tôi chỉ có 5 chỉ vàng ! Đưa cho tôi 1 lượng, chịu không ? Tôi nói con gái tôi là nó bằng ngay.
- Tôi bằng lòng. Chị Tám về dẫn Tương Giang đến ngay bây giờ. Vừa nói ông Khâm nhìn vợ giục đi lấy vàng trao cho bà Tám.
Bà Tám tính mau mắn, vừa nghe thế là bà vội đi ngay qua quán sách báo nói cho con gái biết tự sự và giục con qua gấp giúp gia đình họ tội nghiệp. Lúc đầu Tương Giang e thẹn từ chối không chịu. Đến khi nghe nói chú rễ là Tùng bửa trước đến đây mua sách báo, Tương Giang bằng lòng ngay không chút do dự, vì cô nàng cũng đã có chút cảm tình với anh chàng đẹp trai xa lạ ấy, và để mẹ có chút tiền.
Tương Giang được đưa ngay lên lầu với mấy cô phù dâu để trang điểm nhan sắc, thay đổi xiêm y. Vợ ông Khâm đưa bà Tám bún riêu vào phòng riêng chỉnh trang lại nhan sắc. Ông bà Châu buồn chán cực chẳng đã phải dằn lòng làm vui trở ra phòng trước cùng với hai họ. Đã quá giờ cử hành hôn lễ, ông Khâm đành xin lỗi hai họ vì có chút trở ngại phút chót, đồng thời ông căn dặn nguời nhà hãy giữ kín chuyện. Riêng Tùng từ nảy giờ hiểu hết chuyện gì đã xảy ra, còn được cha mẹ đến bên căn dặn dẫu cho như thế nào, con nên làm như thế ây, đừng làm khác hơn.
Gần một giờ sau, cô dâu và bốn cô phù dâu xuống lầu ra trình diện trước hai họ. Mọi người từ trong ra ngoài hết lời khen cô dâu xinh đẹp như một nàng tiên. Người chưa hiểu khen như thế, nhưng người hiểu chuyện cứ ngỡ rằng Tương Giang là Thủy Tiên, vì hai nàng gần như giống nhau. Có tiếng xì xào, cười rộ từ đám người đứng xem bên ngoài ‘’dâu giả, dâu giả’’bà con ơi ! dâu giả ! dâu giả ! bà con ơi ! Đối với Tùng nếu Tưong Giang trở thành vợ thật sự cũng đành phải chấp nhận vì Giang có phong cách và dáng sắc thùy mị của một người đàn bà Việt Nam hơn.
Dầu phải đóng vai thay tạm cô dâu, Tương Giang ngỡ như thật cho mình, nên bình tỉnh, thực hành đúng những nhắc nhở, chỉ dẫn của ông mai, và cha mẹ hai bên, thỉnh thoảng còn liếc nhìn Tùng, được anh chàng nhìn lại với ánh mắt thiện cảm biết ơn. Lần lượt các thủ tục bái yết ông bà tổ tiên, cha mẹ, vợ chồng, dâng trầu rượu, nhận quà cáp, gởi con theo chồng, chiêu đãi hai họ tại nhà gái...gì gì đó diễn ra dưới sự đạo diễn của ông mai hoàn toàn tốt đẹp, êm xuôi. Đi bên nhau hoặc đối diện nhau cô dâu chú rễ chẳng nói một lời, cứ nhìn nhau cười cười. Khi lên xe đưa dâu về nhà chồng, Tùng và Giang ngồi cạnh nhau thật tự nhiên, không ai nói nhau lời nào, nhưng trong lòng mỗi người rất vui được biểu lộ trên nét mặt. Bà Tám bún riêu kín đáo luôn nhắc chừng con gái mình. Bà không có tư cách xui gia, xem như người được mời dự tiệc cưới. Bà phải theo con gái về bên nhà trai chờ xong tiệc tùng là bà dẫn Tương Giang về ngay.
Nhưng, tiệc cưới bên nhà trai kéo dài ba ngày ba đêm liên tục thật vui nhộn sau khi qua các thủ tục cưới hỏi trước gia đình và hai họ khiến cho tân lang và tân giai nhân phờ người mệt ngất ngư suốt thời gian. Vui nhất là đi chào bàn từ bàn này sang bàn khác như thế suốt ba đêm ba ngày, bạn bè thân hửu, khách khứa đều chúc mừng nồng nhiệt cô dâu chú rễ bằng lời nói, bằng ly rượu, còn buộc hai cô cậu phải ôm nhau, hôn nhau để được những tràng pháo tay reo hò cổ võ, nếu không là sẽ bị chọc quê chịu không nổi. Những lần đầu hai anh chị tìm cách né tránh từ chối sự yêu cầu ấy, nhưng khi đã đi qua vài bàn, đã uống vài ly rượu khách mời chúc mừng, Tùng và Giang như đã choáng hơi men, không còn giữ gìn và hai anh chị đã phải làm như thế khi bị bạn bè, khách khứa yêu cầu. Vợ chồng ông Khâm, vợ chồng ông Châu, bà Tám bún rêu và thân nhân dòng họ thấy cảnh chú rễ cô dâu ôm hôn nhau một cách tự nhiên như thế, ai cũng lắc đầu. Người khen, người chê, cuối cùng đành phải chấp nhận những gì ngoài ý muốn. Nhất là vợ chồng ông Khâm rất khổ tâm khi nghĩ đến Thủy Tiên con gái mình thật vô phước, nên đã kiếu từ về Saigon ngay ngày hôm sau.
Sau ba ngày đêm tiệc cưới chấm dứt. Khách khứa ra về. Vợ chồng ông Châu mời bà Tám bún rêu vào phòng khách có mặt Tùng và Tương Giang. Ông Châu ngỏ lời cám ơn bà Tám và cháu Tương Giang đã giúp hai gia đình xui gia giải quyết được vấn nạn bế tắt vừa rồi. Chúng tôi nghĩ rằng rất hiếm có trường hợp như thế xảy ra, nhưng lại xảy ra trong gia đình chúng tôi. Không có sự giúp đở kịp thời của chị và cháu Giang, hai gia đình không biết phải giải quyết thế nào. Thôi thì ngoài số bổng lộc anh chị Khâm đã trao, vợ chồng tôi gởi thêm chị chút ít.
Ông Châu dứt lời, Tùng đứng lên thưa :
- Thưa Ba Mẹ và Bác Tám, không như Ba vừa nới đâu. Con không duyên nợ với Thủy Tiên, con xin Ba Mẹ và Bác chấp nhận con và Tương Giang thành đôi bạn. Lễ cưới vừa rồi xem như lễ cưới của hai đứa con, chỉ khác là người đứng ra tổ chức bên đàng gái. Chuyện khác ấy chỉ là hình thức. Vấn đề thiết yếu là chúng con có yêu nhau ,thành tâm sống với nhau. Con nghĩ trong sự bất ngờ này....duyên lành đã đến với chúng con kể từ hôm nay. Tương Giang phụ họa lời Tùng :
- Con yêu anh Tùng. Hai bác và Mẹ chấp nhận cho chúng con như lời anh Tùng nhé.
Bà Tám nhìn con gái, nhìn Tùng, bà xúc động trong niềm vui :
- Mẹ chấp nhận cho các con.
- Ý hai con đã quyết thì Ba Mẹ phải đồng ý chứ sao. Tương Giang là con dâu của Ba Mẹ. Nếu sau này Thủy Tiên về, Ba Mẹ không thể nào chấp nhận khác hơn. Một tuần lễ sau, sau khi lo xong thủ tục, vé máy bay, đôi uyên ương Tùng - Tương Giang rời quê hương đi Pháp cho tuần trăng mật đồng thời Tùng thực tập và nhận học vị. Đáng lẽ chỉ lưu lại Pháp một tháng rồi về, đôi vợ chồng trẻ đã kéo dài những ngày hạnh phúc tuyệt vời nơi kinh đô ánh sáng đến sáu tháng mới trở về nước. Từ đó... đôi vợ chồng trẻ gắn bó bên nhau từng năm tháng dài hạnh phúc.
Hôm nay gia đình tôi thật vui. Hai ngày trước, con cháu chắt từ các nơi về sum họp không thiếu đứa nào. Chúng nó tự động liên lạc đứng ra tổ chức lễ Kim khánh mừng thượng thọ 80 năm của cha mẹ và mời cha mẹ tham dự. Phòng khách treo đèn kết hoa ấm cúng tràn đầy yêu thương gia đình, con cháu chắt đang quay quần bên nhau lắng nghe lần đầu tiên tôi kể lại cuộc tình đã đến thật bất ngờ giữa tôi và chồng tôi ngày xưa. Sự bất ngờ như một mầu nhiệm đã an bài có được một gia đình hạnh phúc mà vợ chồng tôi đã dày công vun vén trong 55 năm qua. Tôi thầm cám ơn các đấng sinh thành của tôi, của chồng tôi đã mau mắn chấp nhận duyên lành cho chúng tôi ngày đó. Bên kia nơi cõi vĩnh hằng tôi tin rằng ông bà Nội, ông bà Ngoại của các cháu cũng đã có được nụ cười mãn nguyện tràn niềm vui.
Câu chuyện tôi chấm dứt. Thằng con trai trưởng nam của chúng tôi nay đã ngoại ngũ tuần đứng lên thay lời :
- Kính thưa Ba Mẹ, con đại diện các em con thành tâm kính chúc thọ Ba Mẹ sống mãi bên con cháu để chúng con luôn có được cơ hội trả hiếu. Chúng con tâm niệm rằng điều qúy nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng con là chúng con vẫn còn đủ cha mẹ sống bên chúng con. Kính chúc thọ Ba Mẹ. Ba Mẹ luôn sống mãi bên con cháu.
Đứa cháu Nội đích tôn nay đã ba mươi là một luật sư tiếp lời cha :
- Ông Bà Nội ơi ! chúng cháu luôn yêu quí Nội vô cùng. Nghe Nội kể cuộc đời ông bà Nội ngày xưa cháu cứ ngỡ như một huyền thoại. Một huyền thoại mà là sự thật. Ngày xưa sau lễ cưới ông bà Nội đã có tuần trăng mật ở Paris đầy thơ mộng. Bây giờ tuổi xế chiều, trong dịp mừng thượng thọ ông bà Nội nên đi Dalat vài tuần để tìm lại hương vị tình yêu của tuổi thanh xuân ngày nào. Chúng cháu đã dự trù đâu đó rồi Nội à. Cứ như thế nhen Nội.
Chồng tôi xúc động, rươm rướm nước mắt nhìn tôi trong ánh mắt ăm ắp nghĩa tình. Ánh mắt đó thật tinh anh, trong sáng của anh ngày đầu tiên hai đứa gặp nhau. Tôi cúi đầu che dấu nổi e thẹn bừng lên trên nét mặt..!
Tôi kết thúc câu chuyện của tôi ở đây. Đồng thời xin nói rõ nhân vật ‘’tôi’’ trong truyện kể chính là nàng Tương Giang, cô hàng bán sách báo thời đó.
Nguyễn Thế Hoàng