Xuân Ngập Ngừng

Ái Hoa

 

Nàng Xuân đang thả bước giữa khoảng không gian mênh mông.  Bầu trời thật cao, thật trong xanh là nền của chiếc áo làm cho vóc dáng nàng thêm trang nhã, dăm ba sợi mây trắng lững thững bay theo là những dãi nơ buộc vào xiêm y làm cho bước chân nàng thêm tha thướt, và những tia nắng vàng chiếu thẳng từ thái dương xuống vạn vật như những tia phản chiếu long lanh của hạt kim cương khổng lồ cắt theo kiểu “Princess cut” trên sợi dây chuyền đeo cổ đang toả những hào quang lóa mắt dọc theo thân nàng… Tất cả thể hiện sự cao sang, quý phái, xinh tươi, và lộng lẫy muôn phần của vị nhất thế mỹ nhân.

Nàng bước đi giữa hương vị ngọt ngào của những bông hoa nở rộ, của những trái chín trên cây, giữa những tiếng hợp ca của muôn chim chào mừng vui vẻ, và giữa bản hợp tấu say mê của ban đại hòa tấu Thiên Nhiên với tiếng lá rì rào khi gió nhẹ đưa, tiếng suối reo, tiếng nước chảy, tiếng núi trở mình, tiếng biển réo gọi, tiếng mầm non nẩy lộc,  tiếng hạt giống đâm chồi, tiếng thở của muôn vạn sinh linh, và trong giao hòa giao cảm của mọi vật dù vô hình mà đầy ắp trong vũ trụ.  Sự hiện diện của nàng làm cho cả trời đất khoan khoái, mặt trời dấu mất bộ mặt hung dữ cố hữu để chỉ cười tươi, tỏa ra những tia nắng dịu dàng vui vẻ làm cho không khí cũng mát mẻ và thời tiết cũng ôn hòa theo.  Thỉnh thoảng những cánh hoa đủ màu, những chiếc lá đủ loại lại theo gió quyện bay rồi rơi xuống mặt đất làm thành tấm thảm tuyệt đẹp tô điểm thêm cho bức tranh trần thế thêm màu thêm sắc.  Bức tranh quả thật tuyệt mỹ làm nàng phải ngưng thần lặng ngắm.

Nàng chợt giựt mình khi nghe bao nhiêu tiếng đàn tiếng hát đang cùng loạt cất lên:  “Xuân vừa về trên bãi cỏ non, Gió xuân đưa lá vàng rơi nhẹ.  Có một đàn em bé ngoài kia… Xuân, Xuân ơi, Xuân hỡi, Xuân ơi!” Bức tranh đầy những bãi cỏ non xanh tươi trãi dài đến tận chân trời, những đàn chim bay lượn trên không, những cánh bướm xanh, trắng, đỏ, vàng, nâu vờn lượn bên những cánh hoa mới nở, và từng đàn em bé đang chạy theo những cánh diều đùa vui, trông hấp dẫn làm sao!  Tiếng đàn giọng ca vang vang đủ nhịp điệu từ nhẹ nhàng từng nhịp như từng bước chân nai đến dồn dập rất nhanh như hạc bay ngựa chạy nghe mà lòng cảm thấy khi thì dịu dàng êm ái khi thì rạo rực từng cơn.  Lòng nàng vui mừng hớn hở theo những gì nàng nghe nàng thấy, và bước chân vội vả mong sớm đến gần.  Chợt nàng lại nghe tiếng ai đang cất lên:  “……Xuân về với ngàn hoa tươi thắm.  Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.”  Lời ca sao nghe có vẻ tàn nhẫn quá thế?  Ngàn hoa đang tươi thắm, cớ sao có người lại muốn hái từng ấy hoa hồng đi?  Nếu chỉ để tìm vui mà nở đang tâm làm hại đến muôn ngàn sinh mạng thì thật quá tàn ác!  Nàng thầm trách và chợt khựng bước chân, mắt nhìn xa xa.

Nàng ngạc nhiên biết bao khi phong cảnh mỹ miều, thế giới đẹp đẽ là vậy mà sinh vật trên quả đất lại đối đãi với nhau quá dã man.  Hình như mọi loài đều áp dụng chính sách “mạnh được yếu thua.”  Thú vật giết nhau, ăn thịt nhau không nói làm gì vì chúng chỉ làm theo bản năng, phải kiếm ăn để sinh tồn, nhưng con người là loài có lương tri lại giết nhau dã man hơn.  Nào phải thiếu ăn phải dành nhau miếng ăn như loài thú trong rừng để sinh tồn?  Nào phải không nhà ở để phải tranh nhau miếng đất làm chòi để tránh mưa?  Giữa thời đại văn minh khoa học, kỹ thuật trong mọi lãnh vực đều đạt đến mức tuyệt đỉnh, thực phẩm dư thừa nhà cửa nghênh ngang đất đai trù phú, nếu biết chung hưởng trong cảnh thanh bình thì có phải là hạnh phúc nơi nơi hay không?  Thế mà vì thù hận, tham lam, tranh dành, đố kỵ người này kiện cáo người kia, nước này tàn sát nước nọ làm cho máu chảy thịt rơi trời sầu đất thảm, để cho trăng sao phải mờ mịt, mặt trời phải nhỏ lệ buồn đau.  Một con bọ ngựa khi làm tình, sau khi nhận được tinh trùng của con đực xong thì nhai luôn cả con đực để nuôi dưỡng các trứng.  Không ai trách nó được vì trời sinh nó với bản năng như vậy, không biết tội là gì.  Nếu một người cứ yêu ai hay ghét ai cũng làm như con bọ ngựa thì kết quả sẽ như thế nào?  Đã là con người, giết người đều phải đền tội, vì vi phạm luật pháp (căn cứ vào Đức Hiếu Sinh của Thượng Đế,) thế mà trần gian chẳng có giây phút nào ngơi án mạng, hết giết chóc!

Nàng đã đến, đã đi bao nhiêu phen, đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay trên vũ trụ này.  Chẳng những trên quả đất mà còn ở các hành tinh khác, nơi có những giống dân khác nhau.  Nàng cũng đã vào tận trong lòng đất từ lâu trước khi Jules Verne cho nhà bác học địa chất học mê thám hiểm Otto Lidenbrock giả tưởng của ông làm “Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất” nơi một miệng núi lửa đã tắt tên gọi Sneffel ở Iceland mở ra dẫn đến tận trung tâm quả đất, với giả thiết lòng đất nguội chứ không nóng.  Jules Verne cũng đã cho thuyền trưởng Nemo dùng tàu ngầm Nautilus lặn xuống Ba Vạn Dặm Dưới Đáy Biển để thăm thú những sinh vật và kỳ quan khi đi khắp các đại dương sau nàng rất lâu.  Xứ nóng xứ lạnh, năm châu bốn biển, trên trời dưới đất chẳng nơi đâu nàng không đến viếng.  Nàng chẳng thấy có ai sinh tồn mãi mãi.

Ai bảo nàng không già đi là sai.  Nàng không già diện mạo nhưng tâm hồn nàng ngày càng già cỗi hơn vì từng trãi nhiều hơn và kinh nghiệm nhiều hơn.  Nàng đã đi qua từ đời tiền sử, trải qua bao nhiêu thời đại từ sơ khai hoang dại đến văn minh tân tiến.  Nàng đã nhìn thấy nhiều nền văn minh khác nhau, nhưng phải nói là chưa có thời kỳ nào nền khoa học văn minh của loài người trên hành tinh này tiến bộ như bây giờ.  Trong mọi lãnh vực, nhất là y học, khoa học, vũ khí, kỷ thuật đã tiến rất xa, nhưng đồng thời đạo đức cũng suy đồi với những trường dạy thực hành làm tình tập thể như ở Nhật và thủ đoạn lừa gạt nhau ở các nước lớn cũng tinh vi, được luật pháp bảo vệ, như những trò surveys trên mạng làm cho bao nhiêu người thiệt thà ngu ngơ mất tiền vô phương kiện thưa.

Dù có vũ trụ tính (universal), không có những cơ cấu và giới hạn như các sinh vật, Nàng Xuân cũng như người, không phải lúc nào cũng may mắn hạnh phúc.  Nàng đã nhiều phen phải khổ đau khi chứng kiến cảnh lầm than của những kẻ đói nghèo, cảnh bom đạn tung trời dậy đất ở những bãi chiến trường, cảnh thiên tai bão lụt, núi lửa phun cháy nhà cửa nhân mạng, động đất chôn vùi cây cỏ sinh linh, và những bệnh tật gây khốn khổ cho nhân gian.  Nàng đã từng chứng kiến những đau khổ của dân Việt quá nhiều lần, mới đây và to lớn nhất là khi nàng đến thăm vào những năm 68 và 75 ở Việt Nam, khi mà lực lượng Cộng Sản cờ đỏ sao vàng búa liềm sắt máu gây bao cảnh nồi da xáo thịt trên khắp đất nước nhỏ bé đáng thương này, làm cho bao nhiêu thế hệ con dân trong nước phải xấc bấc xang bang.

Nàng thấy tiếc cho loài người khi họ không biết hưởng những gì họ có.  Quả đất với bao nhiêu công trình kỳ diệu thiên nhiên cũng như nhân tạo xinh đẹp muôn phần, thế mà vì tham lam độc đoán họ lại đang tâm tranh nhau đem những vũ khí tối tân tàn phá hết.  Những thiên tai như bảo lụt, hỏa hoạn, động đất, núi lửa, tai nạn, bệnh tật bộ chưa đủ để gây đau thương cho nhân thế rồi hay sao?  Những bất an, đau khổ, số phận mong manh của kiếp người còn chưa đủ cho họ tỉnh ngộ rồi hay sao?  

Nàng tự hỏi tại sao người ta không dùng những phương tiện kỹ thuật mà họ sẵn có như  internet để  biết những thiên tai tệ hại đến mức nào!  Họ có thể  tìm trong USGS (US Geography Surveys) để biết hàng ngày có bao nhiêu vụ động đất và núi lữa xãy ra trong một xứ hay trên quả đất.  Chỉ nói riêng nước Mỹ, chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua thôi đã có đến 648 vụ, và trung bình có khoảng 8,000 vụ động đất lớn nhỏ xãy ra khắp nơi mỗi ngày.  Người ta cũng quên rằng khoảng 24 núi lữa sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, họ đang sống trong một thế giới với khoảng 1,550 núi lữa khác đang sôi sục đe dọa dưới chân.  Năm rồi vụ động đất 7.8 độ ở Trung Quốc làm 80% nhà cửa lầu đài đổ sụp, giết chết hơn 9,000 người chỉ trong một vùng nhỏ tên Chongquin.  Một vụ  khác gần đây nhất đã thiêu hủy gần hết cả một xứ nhỏ hiền hoà Taiti gây chết chóc đến 300,000 người.  Chile, một quốc gia vùng Nam Mỹ, ngoài sóng thần còn bị thảm họa khủng khiếp trăm lần hơn với một cơn địa chấn mạnh 8,8 độ richter kèm thêm 34 cơn dư chấn mạnh khác theo sau.  Biết làm sao để cho loài người là giống loài đẹp đẽ nàng rất yêu thương hiểu được điều nầy, bớt chém giết nhau kinh hoàng như lâu nay để nàng bớt đau lòng!
Dù các khoa học gia đã tốn nhiều công phu và tiền bạc, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân làm cho những núi này phát nổ và không thể tiên đoán được lúc nào tai họa sẽ xãy ra.  Nguyên mặt đất nơi mà muôn loài sinh sống, chỉ là một tấm bảng nổi nằm trên chiếc áo gối phân cách một bên dưới, một lòng đất chứa đầy những hiểm họa khó lường.  Còn những cơn giông bão lũ lụt mới đây như Katrina ở tiểu bang Louisiana của Mỹ tàn phá cả một thành phố New Orleans gây cho bao người phải trở thành không nhà, trắng tay và những đám cháy đồng loạt xãy ra mới đây ở Malibu, ở nhiều nơi, đốt cháy gần nửa triệu dặm đất đai hoa quả và hàng ngàn nhà cửa trong địa hạt San Diego và Riverside.  Bao nhiêu công trình vừa thiên nhiên vừa nhân tạo đẹp đẽ cũng như tài sản và kỷ vật vô giá mà những con người hằng ân cần gìn giữ đã bị lũ lụt cuốn trôi đi mất và hoả hoạn đốt cháy tiêu tan thành tro bụi.

Chỉ những người đã từng trải qua đau thương khốn khổ mới thấy quý một cuộc đời dù tầm thường mà không sóng gió.  Những kẻ từng đói nghèo sẽ thấy có ăn có mặc là đầy đủ, không cần phải có cao lương mỹ vị.  Những ai từng bị phụ tình sẽ cảm thấy có được một mối tình chung thủy là đáng quý dù người tình không là người lý tưởng.  Những ai từng đau khổ vì chia ly sẽ thấy rằng được gần gũi người thân là điều đáng quý, không nên vì những bất đồng nhỏ nhặt để rồi xa cách nhau, và những ai từng kinh qua những hãi hùng vì bệnh tật hay chiến loạn sẽ thầm cảm ơn Thượng Đế đã cho mình may mắn sống còn để sống một cuộc sống bình yên.  An tâm, hài lòng với những gì có được trong tầm tay chẳng phải là hạnh phúc lắm rồi hay sao?  

Những người Việt có thể nói là những người đã từng trải qua nhiều tang thương nhất.    “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, ba mươi năm nội chiến từng ngày…”  Nhạc của Trịnh Công Sơn nàng đã từng nghe chưa tả được vô vàn đau thương mà dân Việt phải chịu do chiến tranh dai dẵng từ thế kỷ này sang thế kỷ khác gây ra. Nhìn họ bị ngoại bang đô hộ, khốn khổ trăm chiều, vật chất thì đói nghèo bệnh hoạn, tinh thần thì sợ hãi bất an, lòng nàng không khỏi xót xa.  Nhất là khi mà những người miền Bắc mang ý thức hệ Cộng Sản ngoại lai vô thần, vô nhân, vô tình về áp đặt lên dân tộc này làm cho vô số dân oan phải chết tức tưởi, tiếng oán hờn ngút tới trời xanh.  Có thể nói, người Việt đã có một vận mệnh bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại.  Nhưng, nàng thấy người Việt cũng là một dân tộc anh hùng nhất thế giới… Là một nước bé xíu bên cạnh một nước Trung Hoa vĩ đại gấp mấy mươi lần luôn luôn dòm ngó muốn xâm chiếm bằng vũ lực, thế mà dù nhiều phen phải nhún nhường, nước Việt vẫn giữ được quốc tính quốc mệnh, quốc hồn quốc túy.  Nhớ lại thế kỷ thứ 13, khi mà quân Nguyên đem quân đi xâm chiếm Âu Châu, Á Châu, nàng nghe rằng họ đánh đâu thắng đó, nhưng khi đến Việt Nam (lúc đó quốc hiệu vẫn còn là An Nam ) thì liền bị thua cho Hưng Đạo Vương và vua Trần Nhân Tông mùa xuân năm Mậu Tý.  Người Việt đã đánh đuổi quân Tàu biết bao nhiêu bận trong các đời nhà Minh, nhà Hán, nhà Nguyên, nhà Thanh của họ.  Mùa xuân năm Kỷ Dậu, 1789, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đại phá quân Thanh một trận rất lẫy lừng.  Thế mà, người Việt lại dối lừa người Việt trong Hiệp Định Ngưng Bắn đã được ký kết ngày 27 tháng 1, năm 1973.  Khi mà hiệp định này được ký kết với sự hiện diện của nàng, nàng vui biết mấy khi nghe tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa đỗ liên hồi, còi tàu hụ inh ỏi, tiếng đàn tiếng sáo vang tai, và tiếng người cười vui chào đón hòa bình.  Nàng Xuân tưởng rằng dân tộc đau khổ này sẽ được yên ổn từ đây.  Nào ngờ, tiếng súng vẫn nổ khắp nơi, vẫn có chết chóc hằng ngày, những cuộc tấn công đột kích của phe bên kia chẳng những không giảm mà còn tăng thêm, gây tử vong và tàn phá thêm càng nhiều cho bên này, làm dầy thêm những trang sử vốn đã đầy máu xương của cả hai bên.

Và số người Việt đáng thương từng tự  nhận mình là những kẻ lưu vong vì vận nước, hằng tưởng nhớ về quê cha đất tổ với lòng buồn đang cầu mong gì và đang làm gì đây?  Họ đang “chung lòng chung sức, đùm bọc lẫn nhau và dồn mọi nổ lực để giúp cho đất nước vãn hồi quốc tính quốc mệnh quốc hồn quốc túy và yên vui với tự do, hạnh phúc, nhân quyền, nhân bản đích thực?”  Những người trong nước có thể làm ngơ để mặc cho những tên Việt gian trục lợi, bán nước bán dần đất đai hải đảo mà tiền nhân đã xả thân giữ gìn?  Con Rồng Cháu Tiên chẳng lẻ chịu gục đầu cam tâm để cho Tổ Quốc của họ biến thành nô lệ trong tay người, mặc cho người thao túng triền miên hay sao?

Năm cũ đang qua đi, năm mới đang dần đến, ta có thể nghe được tiếng chân của Nàng Xuân đang nhẹ bước đến gần trong tiếng thở của đất, tiếng ru của gió, tiếng lộc đâm chồi, tiếng mời chào của lủ nhạn, nhưng sao nghe như tiếng bước chân có vẻ ngập ngừng…  Có phải những cảnh chiến làm thịt rơi máu đổ kinh hoàng đâu đây, có phải cảnh tượng điêu tàn của những cây cỏ bị cháy rụi, những căn nhà bị đổ nát, những con trẻ đang khóc nhớ búp bê, con ngựa gỗ, cái không gian còn phủ trùm đầy bụi than, bầu không khí còn đầy mùi cháy khét mà những cơn địa chấn,  hỏa hoạn man rợ vừa qua còn để lại đây đang làm cho Chúa Xuân phải hoang mang ngập ngừng?

NGỌC LẤM BỤI TRẦN

Trời xanh cho nắng càng vàng,
Nàng xuân thả bước giữa vùng trời cao.
Lặng nhìn ngỡ giấc chiêm bao,
Cảnh sắc mỹ lệ! giữa bầu trời xuân.
Nương theo mây trắng bềnh bồng,
Ngắm nhìn lầu các đình cung huy hoàng.
Hoa cười, chim hót vang vang,
Gió đưa mây xuống mời nàng dạo chơi…
Xen giữa biển cây tươi xanh ngắt,
Những lá vàng run rẩy lìa cành.
Giữa giòng nước chảy loanh quanh,
Chiếc thuyền gổ mục tròng trành lắc lư.
Kìa một trẻ chỉ vừa bảy, tám,
Trong áo quần rách vá tả tơi,
Ngữa tay xin ăn của người,
Ông qua bà lại lạy đời xót thương.
Giữa hoa lệ phố phường san sát,
Những mái chòi dột nát thê lương.
Che người chiếu đất màn sương,
Ðói nghèo bệnh tật không đường thuốc thang.
Chốn xa xa ầm vang tiếng súng,
Giữa những kẻ lý tưởng bất đồng.
Ðánh nhau thịt nát thây tan,
Trời sầu đất thảm chẳng màng tử sinh.
Nàng kinh hoảng rùng mình che mặt,
Không nở nhìn vì quá xót xa.
Hạt châu trong ngọc trắng ngà,
Tục nhân nở để bụi trần lấm lem!

  (Xuân Mau Ty, revised Xuân con Mèo)
Ái Hoa

Ái Hoa